Văn hóa nghệ thuật hòa cùng dòng chảy quê hương
Diễn ra trong 2 ngày 11 – 12.2, Hội thơ Nguyên tiêu Bình Ðịnh Ất Tỵ năm 2025, với chủ đề “50 mùa xuân trên quê hương” là dịp ôn lại hành trình 50 năm phát triển của thơ ca Bình Ðịnh giai đoạn 1975 – 2025. Không chỉ khẳng định niềm tự hào về truyền thống thơ ca của miền đất Võ, tại Hội thơ còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú, cho thấy văn hóa nghệ thuật đang hòa cùng dòng chảy, sự phát triển của quê hương.
Hội thơ gồm các hoạt động nổi bật như: Trưng bày ảnh nghệ thuật, cờ thơ, thư pháp, giới thiệu chân dung và tác phẩm của hội viên Hội VHNT tỉnh; giao lưu thơ; trình diễn thư pháp và cho chữ ngày xuân; chương tình nghệ thuật Đêm thơ Nguyên tiêu…
Ngân vang âm điệu mùa xuân
Trong chương trình giao lưu giữa các CLB thơ, ngoài sự tham gia của các hội viên Chi hội Văn học Bình Định, còn có 7 CLB đang hoạt động trong tỉnh như: CLB thơ Trường Thi (Trường THPT Quy Nhơn), CLB thơ nhạc Trăng Quy Nhơn (Nhà Văn hóa Lao động tỉnh), CLB thơ Việt Nam (TP Quy Nhơn); CLB Văn học (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), CLB thơ Phố biển Quy Nhơn, CLB Văn nghệ sĩ trẻ (Hội LHTN Việt Nam tỉnh); CLB quan họ Tứ Xuân (TP Quy Nhơn).
Chương trình giao lưu thơ giữa các CLB thơ và hội viên Chi hội Văn học Bình Định (Hội VHNT tỉnh). Ảnh: K.VY |
Nếu nét duyên dáng, mộc mạc của các em học sinh thuộc CLB thơ Trường Thi tạo nên sự tươi trẻ cho Hội thơ thì CLB thơ nhạc Trăng Quy Nhơn lại mang đến sự đằm thắm. Đến hẹn lại lên, các thành viên CLB đều háo hức tham gia. Chị Trịnh Hiền (thành viên CLB) chia sẻ: Dịp này tôi lựa chọn ngâm bài thơ Chúng con luôn nhớ tới Người, do nhà thơ Tích Vy, chủ nhiệm của CLB sáng tác. Qua đó bày tỏ niềm tự hào về Bác Hồ, về truyền thống thơ ca miền đất Võ và tạo sự phong phú cho chương trình.
Điểm nhấn của Hội thơ Nguyên tiêu là chương trình nghệ thuật với chủ đề “50 mùa xuân trên quê hương”. Các tiết mục được đầu tư công phu, trình diễn đặc sắc, nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Tại chương trình, một lần nữa công chúng yêu thơ lại xúc động, hồi tưởng về hình ảnh Bác Hồ qua giọng ngâm của NSƯT Minh Hoàng, qua bài thơ Nguyên tiêu của Người: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.
Ngoài ra, khán giả còn được thưởng thức các ca khúc phổ thơ như: Làng ven sông (thơ: Lệ Thu, nhạc: Lê Trung Tín); Ta và trăng (thơ: Văn Trọng Hùng, nhạc: Thế Tuyên), Đêm cuối cùng Bác bên cha (thơ: Mai Thìn, nhạc: Trần Ngọc Sơn)… Các ca khúc đan xen giữa các tiết mục diễn ngâm thơ vang lên những âm điệu về mùa xuân đất nước, quê hương, tạo nét phong phú cho chương trình Đêm thơ Nguyên tiêu.
Kết nối người yêu thơ
Chương trình còn mang đến cho người yêu thơ những giây phút được lắng lòng qua phần ngâm thơ. Mỗi giọng đọc đi vào lòng khán giả với những câu chuyện, cảm xúc khác nhau, được trình bày bởi các nghệ sĩ: Minh Hoàng, Phương Nga, Duy Phạm, Quý Hòa…
Công chúng thích thú với hoạt động trình diễn thư pháp tại Hội thơ Nguyên tiêu Bình Định năm 2025. Ảnh: K.VY |
Nghệ sĩ Hoài Thương thể hiện sự thâm trầm, lắng đọng bài thơ Dấu chân qua trảng cỏ quê của nhà nhơ Thanh Thảo: “Vùi trong trảng cỏ thời gian/ Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta/ Vẫn đằm hơi ấm thiết tha/ Cho người sau biết đường ra chiến trường”.
Bài thơ Bến My Lăng qua giọng ngâm của Nghệ nhân ưu tú Phương Nga đưa khán giả về với bến trăng trứ danh, nơi có ông lái đò say trăng, để rồi trở thành một bến thơ huyền thoại trong lòng bao thế hệ yêu thơ Yến Lan. Nghệ sĩ Duy Phạm đọc bài thơ Tự khúc của nhà thơ Vân Phi một cách cảm xúc.
Nhà thơ Vân Phi thuộc thế hệ thơ trẻ 9X. Thơ tự do cũng là một thế mạnh để anh tung tẩy cảm xúc và linh hoạt trong tiết điệu, ngôn ngữ thơ chắt lọc, đầy ẩn dụ, đằm sâu sự chiêm nghiệm, liên tưởng…
“Trong lòng đất bao văn minh nhân loại/ Đời bể dâu đã sóng lấp mưa vùi” – bài thơ Bình Định của nhà thơ Nguyễn Văn Chương, được Hoài Thương ngâm đầy cảm xúc. Cũng trong mạch nguồn cảm xúc này, xúc động về cuộc chia tay lịch sử của cha con Bác Hồ, nhà thơ Mai Thìn đã sáng tác bài thơ Đêm cuối cùng Bác ở bên cha. Bài thơ nhận được sự đồng cảm của nhạc sĩ Trần Ngọc Sơn, và ca khúc này đã cùng thắp lên ngọn lửa tự hào của quê hương Bình Định.
Hội thơ Nguyên tiêu Bình Định 2025 đã kết nối những người yêu thơ lại với nhau, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của quê hương Bình Định. Ông Nguyễn Phúc Huy (TP Quy Nhơn), chia sẻ: Tôi có một niềm say mê với thơ, yêu thơ một cách khó tả, ngày nào tôi cũng mở radio để nghe. Hội thơ là một kênh kết nối và nuôi dưỡng mạch nguồn cảm xúc trong mỗi người.
Theo nhà thơ Mai Thìn – Chủ tịch Hội VHNT, Trưởng Ban tổ chức Hội thơ Nguyên tiêu, chương trình nghệ thuật Đêm thơ Nguyên tiêu giới thiệu đến công chúng yêu thơ một số gương mặt tiêu biểu qua 50 mùa xuân trên quê hương. Thông qua các tiết mục trình diễn thơ, khán giả không chỉ làm quen với phong cách thơ, giọng điệu thơ của từng tác giả, mà còn hiểu thêm những tình cảm sâu sắc của các nhà thơ dành cho quê hương Bình Định.
KIỀU VY
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=321253