Quang cảnh buổi làm việc.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục đích cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Do đó, cùng với Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn: Hạ tầng KTXH tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng – xanh – sạch – đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được ổn định. Mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội hằng năm. Phần lớn ngân sách huyện, xã đầu tư trên địa bàn nông thôn đều ưu tiên tập trung hỗ trợ để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Các chỉ tiêu về đích nông thôn mới hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Đến nay, toàn tỉnh có 113 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện xây dựng nông thôn mới; trong đó, có 91/113 xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 80,5%); 24/91 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 26,3%); 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 06 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM (đạt tỷ lệ 54,54%).
Về tình hình, kết quả thực hiện hoạt động tín dụng, giai đoạn 2023-2024, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BĐD HĐQT, sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức CT-XH và các sở, ngành liên quan, đã tập trung được nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 159/159 xã, phường, thị trấn, 1.116/1.116 thôn, làng, khu phố, giúp gần 82 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; thu hút, tạo việc làm cho gần 34 nghìn lao động (364 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho gần 7 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 52 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; 853 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 696 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100; 119 đối tượng chấp hành xong án phát tù được vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng,…
Đến 31/10/2024, tổng nguồn vốn đạt 7.037 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng (+6,8%) so với 31/12/2023. Tổng doanh số cho vay trong 2 năm 2023 và 2024 đạt 4.199 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 2.719 tỷ đồng. Đến 31/10/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụngchính sách xã hội đạt 7.017 tỷ đồng, tăng 433 tỷ đồng với 31/12/2023 (+6,6%), với hơn 107 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, tăng hơn một nghìn hộ so với cuối năm 2023.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đã trao đổi, góp ý kiến về một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Trung ương xem xét tăng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định, ít nhất bằng với giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, UBND tỉnh cũng kiến nghị quan tâm hơn nữa đối với mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của Văn phòng điều phối NTM địa phương, phát huy hiệu quả Bộ máy giúp việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 và những giai đoạn tiếp theo.
Về hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm bố trí vốn theo Kế hoạch của tỉnh xây dựng hàng năm và giai đoạn trên cơ sở tổng hợp nhu cầu về vốn các chương trình tín dụng chính sách được rà soát, xây dựng từ cấp cơ sở, đặt biệt là vốn cho vay giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội nhằm góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bình Định trong việc thực hiện chương trình MTQG về xây dựng NTM và chương trình tín dụng chính sách xã hội năm 2024. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đánh giá cao những hình thức cho vay vốn tại tỉnh, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh trong việc xây dựng các mô hình cho vay hiệu quả. Trên cơ sở các kết quả tích cực đạt được, Thứ trưởng đề nghị tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư cho chương trình NTM gắn liền với tiến độ giải ngân tín dụng, hỗ trợ vay vốn gắn liền với các dự án chuyển đổi sản xuất và đào tạo nghề, từ đó góp phần thúc đẩy chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm đến việc triển khai các dự án nước sạch cho các xã miền núi và chương trình OCOP nhằm phát huy tiềm năng đặc sản địa phương thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và có tính thương mại cao. Ông cũng đề nghị tỉnh chú trọng duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp các công trình phục vụ nông thôn mới nhằm đảm bảo duy trì chất lượng NTM trong dài hạn. Đồng thời, lưu ý tỉnh quan tâm hơn về Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến hiện đại hóa và nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu các sở, ngành tiếp thu những ý kiến đóng góp của đoàn công tác tại buổi làm việc; khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.
Nguồn: https://binhdinh.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong-cua-lanh-dao/ubnd-tinh-lam-viec-voi-doan-cong-tac-lien-nganh-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi.html