UBND tỉnh Bình Định làm chủ quản đầu tư đường băng số 2 sân bay Phù Cát
UBND tỉnh Bình Định làm chủ quản đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay của sân bay Phù Cát với tổng mức đầu tư 3.013 tỷ đồng.
Văn phòng Chính phủ có công văn số 8651/VPCP-CN gửi Bộ trưởng 4 Bộ: Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về dự án đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay cảng hàng không Phù Cát.
UBND tỉnh Bình Định làm chủ quản đầu tư đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn của sân bay Phù Cát, tổng mức đầu tư khoảng 3.010 tỷ đồng. Ảnh: Vinpearl. |
Theo đó, Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Định là cơ quan chủ quản đầu tư dự án theo đề xuất của Bộ GTVT. Việc sử dụng ngân sách địa phương của UBND tỉnh Bình Định thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra các Bộ nêu trên theo chức năng nhiệm vụ được giao hỗ trợ, hướng dẫn UBND tỉnh Bình Định trong quá trình thực hiện.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã có tờ trình đề nghị Chính phủ chấp thuận phương án triển khai đầu tư cảng hàng không Phù Cát.
Giai đoạn trước mắt, cho phép triển khai đầu tư ngay hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay với tổng mức đầu tư khoảng 3.013 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Cùng với đó, tỉnh đề nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù, giao UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình khác thuộc khu bay từ nguồn vốn ngân sách do tỉnh quản lý (bao gồm nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khoảng 1.500 tỷ đồng).
Sân bay Phù Cát sau khoảng 60 năm sử dụng (vượt gần 3 lần tuổi thọ thiết kế), hầu hết tấm bê tông đã bị nứt, nguy cơ phát sinh mảnh vỡ gây mất an toàn khai thác. Sức chịu tải thấp dẫn đến sân bay chỉ đảm bảo khai thác giảm tải các loại tàu bay như A320/321 và tương đương.
Với tình trạng trên, Bộ GTVT cho rằng cần thiết phải sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh này. Tuy nhiên, do đây là đường cất hạ cánh bằng bê tông xi măng nên để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp phải đóng cửa sân bay trong thời gian khá dài (không dưới 6 tháng).
Lãnh đạo Bộ GTVT nhận định việc đóng cửa cảng hàng không Phù Cát sẽ không đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội, cũng ảnh hưởng lớn đến du lịch và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Do đó, khi lập quy hoạch cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đã thống nhất với Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Bình Định nghiên cứu quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 cho cảng để đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo khai thác hàng không dân dụng an toàn, hiệu quả, cũng giữ được đường cất hạ cánh số 1 luôn sẵn sàng phục vụ chiến đấu của các đơn vị quân đội. Đường cất hạ cánh số 2 cũng sẵn sàng phục vụ các đơn vị quân đội khi có nhu cầu.
Vì vậy, việc UBND tỉnh Bình Định đề nghị giai đoạn trước mắt cho phép triển khai đầu tư ngay đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ được đánh giá là cần thiết và phù hợp tình hình của cảng hàng không Phù Cát.
(Theo opensky.com)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=287247