Triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
(BĐ) – Sáng 8.10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị do đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, với sự tham dự của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng và Lâm Hải Giang.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Đặc biệt, hội nghị thu hút hơn 250 đại biểu là thương nhân, DN, HTX, hộ kinh doanh và nông dân, cùng các đơn vị sản xuất, kinh doanh và thu mua sản phẩm nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh, đây là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, tôn vinh những thương nhân đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh mong muốn lắng nghe ý kiến, phản ánh thực tế từ các thương nhân, qua đó giúp chính quyền tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất và tiêu thụ nông sản. Các giải pháp cần hướng đến việc ổn định sản xuất và tiêu thụ bền vững, mang lại giá trị cao cho nông sản địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác giữa chính quyền và thương nhân: Chính quyền tạo điều kiện tốt nhất trong khuôn khổ pháp luật và ngược lại, thương nhân phải đảm bảo giá cả hợp lý, tuân thủ quy định về chất lượng hàng hóa, chống gian lận thương mại và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đình Kha cho biết, mặc dù sản phẩm nông nghiệp của tỉnh khá đa dạng nhưng năng suất và sản lượng vẫn còn thấp, nhiều sản phẩm chưa đạt chuẩn chất lượng. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất và quản lý của các chủ thể như nông dân, HTX, DN nông nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, nguồn vốn của người dân, HTX và DN vẫn còn eo hẹp, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn rất yếu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thị Tố Trân báo cáo thực trạng an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh và giải pháp trong thời gian đến. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thị Tố Trân báo cáo về an toàn thực phẩm và phát triển nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, diện tích cây trồng đạt chuẩn VietGAP là 284,4 ha, diện tích nông nghiệp hữu cơ là 121,6 ha; có 3 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Tỉnh có 5 vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích 62,6 ha và 21 mã số vùng trồng nội địa cho 178,8 ha. Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau VietGAP Lá lành được duy trì với sản lượng tiêu thụ 25 tấn/tháng qua hệ thống siêu thị.
Về chăn nuôi, đàn heo ứng dụng công nghệ cao đạt 97.590 con, với 2 DN tiêu biểu là Công ty TNHH Bảo Châu và HTX Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Chăn nuôi tổng hợp Nhơn Khánh, áp dụng công nghệ vi sinh và xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học. Đàn bò phát triển thương hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định” ước đạt 79.800 con, trong khi các Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Cao Khanh tiếp tục cung cấp sản phẩm gà sạch, chất lượng cao. Lĩnh vực nuôi tôm cũng ghi nhận diện tích 110 ha ứng dụng công nghệ cao, sản lượng 3.800 tấn.
Toàn tỉnh có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, nhưng chỉ 45,7% đăng ký kinh doanh và 3,3% áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như VietGAP, HACCP. Những con số này cho thấy cần cải thiện để thúc đẩy phát triển bền vững.
Hội nghị thu hút hơn 250 đại biểu gồm các thương nhân, DN, HTX, hộ kinh doanh và nông dân, cùng các đơn vị sản xuất, kinh doanh và thu mua sản phẩm nông nghiệp tham gia. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Đại diện HTX Nông nghiệp Phước Hưng (huyện Tuy Phước) trao đổi tại hội nghị tình hình phát triển các dịch vụ tại đơn vị. Ảnh: TRỌNG LỢI |
ThS.BS Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng DN Nông nghiệp Việt Nam – Tổng Giám đốc Công ty Vinanutrifood Bình Định, chia sẻ về dự án, định hướng và cách vận hành nhà máy tại Bình Định trong thời gian đến. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương và các thương nhân, nông dân trong tỉnh đã tham gia trao đổi, đối thoại cùng lãnh đạo UBND tỉnh về thực trạng, khó khăn đang diễn ra trong ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Có thể là nghiên cứu, đưa về các giống cây mới, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại tỉnh; xây dựng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt, chăn nuôi gắn với thế mạnh ở từng vùng, địa phương; hỗ trợ, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là ở các HTX nhằm đáp ứng được điều kiện về quy mô sản xuất, cung cứng các sản phẩm…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định cam kết của tỉnh trong việc hỗ trợ thương nhân, DN và nông dân, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các địa phương xác định rõ các sản phẩm chủ lực dựa trên điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của từng vùng. Tập trung tổ chức sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo đủ tiêu chuẩn và quy mô sản lượng để cung cấp cho các nhà máy chế biến. Đồng thời, lưu ý người dân và DN tham gia sản xuất phải thay đổi căn bản cách làm, tuân thủ các quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Các cơ quan thực thi cần tập trung hướng dẫn, đào tạo và giám sát việc thực hiện các quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng. Tỉnh khuyến khích hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa người sản xuất, HTX và DN chế biến. Tập trung kết nối, xúc tiến thương mại và mở rộng kênh tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Việc hỗ trợ phát triển các HTX và tổ hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ cũng cần được quan tâm.
“Chính quyền tỉnh sẽ tập trung mời gọi các DN đầu tư vào các nhà máy chế biến, hỗ trợ về chính sách và nguồn lực cho sản xuất. Các cơ quan, đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai các giải pháp, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm. Cộng đồng DN và các cơ quan truyền thông cần tích cực hỗ trợ, tuyên truyền và lan tỏa các mô hình, cách làm hiệu quả. Mục tiêu chung là nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện để người dân và DN cùng phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn kết luận.
Ký các cam kết và mô hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI |
TRỌNG LỢI
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=284688