Tinh thần dân tộc sống mãi với thời gian…
Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025 do Bộ VHTT&DL phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức đã nhận hơn 200 đề cương, bản thảo của các tác giả. Qua các khâu tuyển lựa, hoàn thiện, Ban tổ chức đã chọn ra 35 tác phẩm hoàn chỉnh, chất lượng cao nhất để nghiệm thu và tổ chức công bố vào ngày 28.12.2024 tại Hà Nội.
Bình Định có 2 tác phẩm thuộc thể loại văn học và kịch bản sân khấu được chọn, gồm: Trường ca Nhảy Flashmob ở Trường Sa của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và kịch bản sân khấu Cho những gì còn mãi của tác giả Lê Công Phượng.
1. Trường ca Nhảy Flashmob ở Trường Sa của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gồm 8 chương. Không dừng ở việc khắc họa biển đảo, những định hình di sản quen thuộc, lãnh thổ mặt nước, ký ức đời thường trong những chuyến ruổi rong duyên hải hay trên biển mà tác phẩm còn mở ra nhiều chiều kích khác. Trong đó, có hình ảnh người lính, ngư dân gắn bó máu thịt với biển. Và cốt tủy, là tinh thần của chủ quyền biển đảo, của ý thức dân tộc một đất nước “ba phần tư là biển” như anh viết: “Từ Trường Sa, xin ngắm lại đất nước mình/ Một đất nước ba phần tư là biển”.
Ban tổ chức Cuộc vận động trao chứng nhận nghiệm thu cho nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng với trường ca Nhảy Flashmob ở Trường Sa. Ảnh: NVCC |
Trong trường ca, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng mang đến nhiều câu chuyện về những giá trị trường tồn của thời gian, về tuổi trẻ, đất nước, tình yêu… bằng những câu thơ phóng khoáng và trữ tình: Khi con chim từ non Tây bay qua nhả hạt bên biển Đông cát trắng/ Nó đã hóa giải sự nhạt nhẽo cô đơn thành nồng mặn diễm kiều/ Quả dưa đỏ giao kết với hoang vu trở thành tuyệt phẩm/ Tiếng tù và ốc rúc lên đăng ký với trời một sổ hồng thánh địa của tình yêu.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đã định danh với nhiều tập thơ chất lượng và các giải thưởng lớn của báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội… Năm 2022, khi Bộ VHTT&DL phát động Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian”, anh đã tham gia và đăng ký trường ca về Trường Sa. Sau đó, anh được Ban tổ chức Cuộc vận động duyệt mời tham gia Trại sáng tác mang tên “Sống mãi với thời gian” tại Bà Rịa – Vũng Tàu, một tuần lễ cuối tháng 10 đầu tháng 11.2023. Tháng 4.2024, anh được mời tham gia chuyến hải trình “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương” do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Tháng 8.2024, anh hoàn thiện bản thảo và gửi về Ban tổ chức, tác phẩm của anh được đánh giá cao và chọn là một trong 10 tác phẩm văn học được nghiệm thu trong Cuộc vận động.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng thổ lộ: Những chuyến thực tế sáng tác, đặc biệt là từng 2 lần ra thăm đảo Trường Sa đã cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều điểm nhìn. Tôi rất ấn tượng với cuộc duyệt binh trên đảo Trường Sa Lớn, sau đó là màn nhảy Flashmosb trên nền nhạc “Tôi yêu Tổ quốc tôi” giữa biển trời lồng lộng gió… Bên cạnh việc khắc họa ký ức, ấn tượng lịch sử văn hóa, những cuộc hải trình mà tôi trực tiếp tham gia, trải nghiệm đã phả hơi thở hiện thực vào trường ca Nhảy Flashmob ở Trường Sa.
2. Cho những gì còn mãi của tác giả Lê Công Phượng là kịch bản tuồng về đề tài chiến tranh cách mạng, ở buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược (giai đoạn 1946 – 1947) của quân dân Hà Nội.
Ban tổ chức Cuộc vận động trao chứng nhận nghiệm thu cho tác giả Lê Công Phượng (thứ ba từ phải sang) với kịch bản tuồng Cho những gì còn mãi. Ảnh: NVCC |
Kịch bản gồm có 8 màn, xoay quanh câu chuyện về đôi sinh viên Văn khoa Lê Dũng và Hoàng Lan, những con người đại diện cho tầng lớp trí thức trẻ Hà thành. Trước tình thế đất nước nghìn cân treo sợi tóc, Lê Dũng, Hoàng Lan và những người thân xung quanh họ đã chọn cách hy sinh cái riêng, cùng với quân dân thủ đô chống lại thực dân xâm lược và bè lũ bán nước. Không chỉ tôn vinh hình tượng cao quý của người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô và nhân dân Hà Nội trong công cuộc “bảo vệ trái tim của tổ quốc” năm xưa, tác phẩm còn đưa khán giả đương đại vượt thời gian trở về với không khí sôi sục của Hà Nội trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Từ đó, cảm nhận được những mất mát đau thương, sự hy sinh lớn lao, phẩm chất cao cả của thế hệ cha anh – những con người tiêu biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng đã hy sinh tất cả cho những gì còn mãi…
Đây là một trong những kịch bản được tác giả Lê Công Phượng dày công chăm chút cho mảng thể tài khai thác lịch sử, chiến tranh cách mạng. Anh đang tích cực sáng tác và dần định hình với mảng kịch bản sân khấu. Anh cũng vừa ra mắt bạn đọc tập kịch bản tuồng Giữ nước cuối năm 2024, đồng thời cũng là tác giả đã đạt giải khuyến khích lĩnh vực Sân khấu trong Cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975- 30.4.2025) do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, trao thưởng vào ngày 30.12.2024.
Tác giả Lê Công Phượng bộc bạch: “Càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng cảm thấy cái hay cái đẹp của sân khấu hát bội, thêm hiểu vì sao thế hệ cha anh như nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn hay GS Hoàng Châu Ký và các vị tiền bối khác đau đáu dành cả đời cho việc bảo tồn sân khấu truyền thống, đặc biệt là hát bội. Sự ghi nhận ở Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” là động lực lớn để tôi tiếp tục phấn đấu. Tôi sẽ tiếp tục đọc và viết, cũng như tích cực giới thiệu, truyền tải cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật hát bội đến với công chúng nhiều nhất có thể”.
Hai tác phẩm của hai tác giả Nguyễn Thanh Mừng và Lê Công Phượng thuộc 2 thể loại khác nhau, tuy nhiên có giao điểm chung là đều hướng đến niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân với một tinh thần yêu nước sâu sắc. Đây cũng là 2 trong số 35 tác phẩm sẽ được Ban tổ chức Cuộc vận động sắp xếp, có kế hoạch dàn dựng, xuất bản thời gian tới.
MỘC THƯƠNG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=289292