Tình & Mộng
Đào Đức Tuấn (SN 1971, quê ở Phú Yên) làm báo, viết thơ, nương nhờ chữ nghĩa mà phập phù vui buồn lang bạt. Nhiều người ghẹo, gọi anh là Tuấn “điên” nhưng tôi thấy anh tỉnh khô, chỉ đôi khi lạc vào cõi mị mộng nào đó. Có lẽ nhờ những khoảnh khắc “vượt rào hiện thực” đó, anh có thơ và thơ có tình… Cuối năm 2024, anh ra mắt tập thơ Lối tình (NXB Hội Nhà văn), hơn trăm bài ngắn dài, chữ nghĩa sảng khoái, đôi lúc phóng túng, nhưng sau hết, thơ anh đọng lại cái tình với quê nhà, bè bạn, mẹ cha; và cái tình mộng với nàng thơ trong xa xôi nhân ảnh.
Đào Đức Tuấn học phổ thông ở Khánh Hòa, là cựu sinh viên Trường ĐH Đà Lạt, những vùng ký ức ấy như ghim sâu trong trí nhớ anh. Lời thơ anh như kéo về một không gian của những thập niên trước, nghèo khó nhưng sôi nổi một không khí văn chương, nhiệt thành bao trái tim mộng mơ tuổi trẻ. Một ví dụ – “tạ lỗi chủ vườn khoai tây súp lơ cà rốt/ chúng con đói quá nên đành xin trộm/ bây giờ biết trả nghĩa cùng ai// làm sao quên hương cà phê mộng mơ mờ cửa kính/ quán cóc sinh viên nợ nần chất ngất/ thương bao nhiêu những cô chủ nghèo/ câu chuyện miệt mài không gian nghệ thuật/ những giờ Trịnh Công Sơn Văn Cao Baudelaire Lermontov/ bạn bầu chia nhau mẩu thuốc lá cuối cùng/ Đà Lạt lạnh mà lòng trai náo nhiệt/ buổi sinh viên con chữ nói không cùng” (Những ngày hào hiệp).
Có nhiều bằng hữu ở Bình Định và đây là nơi anh ngược xuôi công vụ nên thơ của anh vì vậy cũng thiết tha tình cảm đặc biệt xứ Nẫu. Có khi, không muốn ẩn dụ xa xôi, anh gọi tên thẳng những Tuy Phước, Quy Nhơn, rồi rặt ri những âm ngữ địa phương: “Hết đời rầu mới biết nâng ly/ âm ba sa sóng mạn tàu/ những con đường như vừa sát khuẩn/ Quy Nhơn kia tui trở lại làm ngừ” (Quy Nhơn).
Đào Đức Tuấn rất biết cách “chiều chuộng” cảm xúc của mình. Có lẽ vì anh nhận ra cuộc nhân sinh hữu hạn, không thống khoái được thì đời đâm ra “nhạt” và “buồn”. Nên anh sẵn sàng say chén cùng bè bạn, không “phong bế” ánh nhìn trước cái đẹp, nhất là nét đẹp giai nhân. Anh nhận diện nhiều lẽ nhân sinh, những uẩn khúc đời hay ngõ quanh thời cuộc, nhưng nhiều khi cứ tửng tưng hồn nhiên mà nhặt nhạnh niềm vui, giữ riêng mình những sâu kín lặng lẽ: “Nhìn vào đâu cũng màu bóng tối/ gió đằng nào cũng chẳng thảnh thơi/ giấu tất cả những gì rất thật/ chỉ đêm về đấu láo với mình thôi” (Giấu).
Mộng và Tình trong thơ anh đan quyện vào nhau. Anh không khước từ và có lẽ cũng “bất lực” nếu nuôi ý nghĩ dẹp bỏ, vì nếu không có những tình/ mộng ấy cấy gieo vào tâm hồn, thì thơ chỉ còn những cứng nhắc ý nghĩ. Nên lúc nhà thơ kêu lên là “hồn nhàu nát”, hóa ra lại đang thụ hưởng sảng khoái trong cõi mộng riêng mình: “Em vẫn còn đây êm trèo vào mộng/ mộng ẩn mây trời sung đẫy hồn ta/ hồn ta nhừ nát mộng còn vương vất/ hỏi cả điệp trùng dẹp mộng làm sao” (Mộng).
Nhà thơ Đào Đức Tuấn đã in các tập thơ: Chiều chậm (2005), Ôm tròn trái đất (2010), Thinh không (2017). Lối tình là tập thơ thứ tư của anh.
VÂN PHI
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=290203