Thúc đẩy đầu tư vào các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ
(BĐ) – Chiều 10.10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ. Đây là một trong những sự kiện của Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ, do UBND tỉnh Bình Định đăng cai tổ chức vào 11.10.
Dự hội nghị có đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; các chuyên gia cùng hơn 100 DN của TP Hồ Chí Minh và 6 tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu chào mừng hội nghị. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Vùng Duyên hải Trung bộ có tiềm năng, lợi thế để phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế biển, cảng biển, thúc đẩy KT-XH phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, đảo của vùng và cả nước. Đặc biệt, các địa phương trong vùng có vị trí địa lý gần TP Hồ Chí Minh – đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, và hầu hết các địa phương đều giáp biển, có nhiều đầm, vịnh, bãi biển đẹp, môi trường sống trong lành; địa hình phân tầng đa dạng, tạo cơ sở hình thành nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các DN và nhu cầu trải nghiệm, khám phá của khách du lịch. Đồng thời, các địa phương trong vùng hiện còn nhiều khu, cụm công nghiệp với quỹ đất sạch lớn, chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; dân số trong độ tuổi lao động; hạ tầng giao thông trục Bắc – Nam đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian qua. Đặc biệt, đây cũng là vùng có bản sắc văn hóa riêng, ý chí tự lực, tự cường, năng động và sáng tạo.
Trong những năm qua, mỗi địa phương trong vùng đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự ủng hộ, đồng hành của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN, đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH và đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên tất các ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy vùng Duyên hải Trung bộ dần trở thành một trong những vùng phát triển năng động hàng đầu cả nước.
Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Bình Định đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá, quy mô nền kinh tế thay đổi qua từng năm. Năm 2023, quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 117 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước và thứ 5/14 địa phương thuộc Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của Bình Định tăng 7,53%, xếp vị trí 25/63 địa phương cả nước, xếp thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.
Quan điểm phát triển KT-XH của Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển, trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng Duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, gắn kết và tác động lan tỏa đối với các tỉnh Bắc Tây Nguyên; kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn, dựa trên các trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; phát triển tất cả các lĩnh vực, lấy nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, Bình Định tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế biển. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và DN lớn trong và ngoài nước.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước; là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam.
Phát huy lợi thế của vùng, tiềm năng sẵn có của địa phương, Bình Định tập trung mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh đầu tư vào 5 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Khi đầu tư tại tỉnh Bình Định nói riêng và các địa phương vùng Duyên hải Trung bộ nói chung, DN, nhà đầu tư sẽ luôn được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững. “Riêng đối với tỉnh Bình Định, chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến xây dựng dự án và triển khai hoạt động nhanh chóng, hiệu quả. Bình Định không ngừng cải cách thủ tục hành chính và đổi mới phong cách làm việc, từ lãnh đạo cấp tỉnh đến cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành và hệ thống chính quyền các cấp đều nêu cao tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc tận tụy, minh bạch, nhanh chóng để kịp thời nắm bắt, đề xuất giải quyết các yêu cầu và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư”, đồng chí Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Hội nghị dành nhiều thời gian để các tỉnh, thành phát biểu tham luận, giới thiệu tiềm năng, lợi thế, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư… của mỗi địa phương
T.SỸ
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=284803