Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh; các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT…
Báo cáo với Đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh cho biết, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết, đạt được nhiều kết quả quan trọng; tạo chuyển biến mới trong ứng dụng và phát triển CNTT.
Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Bình Định tăng dần qua các năm. Năm 2022, tỉnh Bình Định có chỉ số DTI xếp hạng thứ 29 trên cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2021. Trong đó, các chỉ số thành phần là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đều có sự chuyển biến tích cực.
Tỉnh Bình Định hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết số 36-NQ/TW. Nổi bật, như:
Về hạ tầng viễn thông, đến nay, toàn tỉnh có 1.907 trạm BTS, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 100% tại trung tâm các xã, thị trấn trên toàn tỉnh; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 73% hộ gia đình và 100% các xã, phường, thị trấn.
Về xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu và ứng dụng các cấp, hiện nay, tỉnh được cấp 7.709 chứng thư số cho tổ chức, cá nhân (723 chứng thư số tổ chức và 5.643 chứng thư số cá nhân) và 1.343 SIM PKI; 100% cơ quan nhà nước đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng của tổ chức; 100% lãnh đạo cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số cá nhân để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Tỉnh đã thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung – Bình Định, tại đây đã thu hút 2 doanh nghiệp (Công ty TMA Bình Định và Công ty Fsoft Quy Nhơn), với trên 1.000 nhân sự đang làm việc. Ngoài ra, hiện tại tỉnh có 2 dự án đang triển khai, gồm: Trung tâm Trí tuệ nhân tạo – Đô thị phụ trợ Long Vân; Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT…
Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và xã hội còn một số hạn chế, như: Chưa hoàn thiện phát triển hạ tầng Internet băng rộng đến hầu hết thôn/xóm trên địa bàn tỉnh. Cơ sở dữ liệu của các ngành còn rời rạc dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông và chia sẻ. Cơ sở dữ liệu hiện có dữ liệu chưa đầy đủ, cần được cập nhật thường xuyên, làm sạch để thực hiện kết nối và chia sẻ. Nguồn nhân lực CNTT tại các cơ quan cấp huyện, cấp xã còn thiếu và năng lực chuyên môn còn yếu…
Trong khuôn khổ buổi làm việc, tỉnh cũng đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính ngân sách có quy định bố trí tối thiểu 1% chi ngân sách địa phương dành cho triển khai chương trình chuyển đổi số. Có chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, vùng khó khăn nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin và tham gia sử dụng các dịch vụ công do cơ quan nhà nước cấp…
Đối với Bộ, ngành Trung ương, tỉnh kiến nghị cần chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình và hoàn thành tích hợp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với các dịch vụ công thiết yếu chưa thực hiện được và hướng dẫn các địa phương kịp thời triển khai theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Có hướng dẫn kết nối kỹ thuật giữa các hệ thống thông tin, chia sẻ cơ sở dữ liệu với các địa phương theo yêu cầu của Chính phủ số để tạo thuận tiện trong việc liên thông, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước và thực hiện liên thông thủ tục hành chính phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ TT&TT và các đơn vị Trung ương cần có cơ chế/chế tài để đảm bảo phát triển hạ tầng vùng sâu, vùng xa. Nghiên cứu phân quyền khai thác dữ liệu cho địa phương trên tập dữ liệu của địa phương trong quá trình xây dựng, hoàn chỉnh Trung tâm dữ liệu số quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia….
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đánh giá Bình Định là địa phương triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên các lĩnh vực phục vụ phát triển KT-XH khá tốt và đang đi đúng hướng.
Bình Định cũng là địa phương có 2 tuyến cáp quang biển quốc tế cập bờ tại thành phố Quy Nhơn (ADC, SJC2), đây là tiền đề góp phần gia tăng tốc độ phát triển hạ tầng mạng trong bối cảnh tỉnh đang thúc đẩy các dự án phát triển công nghệ phần mềm, đô thị khoa học, chuyển đổi số…
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng ghi nhận các ý kiến đề xuất và kiến nghị của tỉnh, cho biết sẽ tổng hợp tham mưu trình Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, cũng như phục vụ xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị và Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nguồn: https://mic.gov.vn/thu-truong-pham-duc-long-lam-viec-tai-binh-dinh-197240808162156762.htm