DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ KINH DOANH HẠ TẦNG CỤM CÔNG NGHIỆP:
Thu hút đầu tư tốt, hiệu quả tích cực
Thay vì sử dụng vốn ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng, những năm gần đây, tỉnh đã quy hoạch, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Nhờ đó, đã có 15 DN làm chủ đầu tư 17 cụm công nghiệp và 53 DN thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả tại các cụm công nghiệp.
Hạ tầng đồng bộ, thu hút đầu tư tốt
Triển khai đầu tư từ năm 2019 đến nay, cụm công nghiệp (CCN) Nhơn Tân 1, xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và có 8 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, dăm gỗ, viên nén… với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 1 DN Nhật Bản đã chọn mặt bằng, chuẩn bị đầu tư 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất viên nén tại CCN.
Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân còn đầu tư hệ thống kho bãi cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê để chứa và bảo quản sản phẩm. Ảnh: TIẾN SỸ |
Ông Trần Viết Lắm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân – chủ đầu tư CCN Nhơn Tân 1, cho biết: Công ty thành lập ban quản lý CCN, lực lượng bảo vệ, PCCC luôn trong tư thế sẵn sàng đảm bảo an ninh và an toàn các hoạt động trong CCN. Để phục vụ tốt hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư thứ cấp, công ty đã xây dựng 4 km đường dây điện riêng, kéo điện từ trạm điện 110 kV Nhơn Tân về CCN; đồng thời, xây dựng hệ thống kho bãi trong CCN cho các DN thuê và bảo quản sản phẩm.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2 CCN Nhơn Tân 1, diện tích 15 ha đất dành cho sản xuất công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Tân Tường An, tại xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ) và đầu tư hạng tầng CCN thị trấn Vân Canh phần mở rộng (huyện Vân Canh). Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN, DN này còn tích cực tham gia các đợt xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh do UBND tỉnh tổ chức. Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân cũng đã mở văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh, tăng cường quảng bá, mời gọi DN các tỉnh phía Nam đến khảo sát, đầu tư dự án tại các CCN.
Sau khi xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và thu hút 6 dự án của các nhà đầu tư thứ cấp tại CCN Đồi Hỏa Sơn, xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn), năm 2023 Công ty TNHH Thiên Hưng Mỹ Thọ tiếp tục đầu tư hạ tầng CCN Gò Cầy, xã Bình Thành (huyện Tây Sơn). Đáng chú ý, toàn bộ diện tích 31 ha đất sản xuất công nghiệp của CCN Gò Cầy đã được Công ty CP Takao Bình Định thuê để xây dựng nhà máy sản xuất gạch ốp lát cao cấp và ngói tráng men với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng. “Sau khi khảo sát thực tế đúng như những gì chúng tôi cam kết, Công ty CP Takao Bình Định quyết định đầu tư thực hiện dự án ngay. Tháng 6.2024, giai đoạn 1 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 600 lao động địa phương”, ông Tạ Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiên Hưng Mỹ Thọ, cho biết.
Toàn bộ diện tích đất sản xuất công nghiệp của Cụm công nghiệp Gò Cầy đã được Công ty CP Takao Bình Định thuê để đầu tư xây dựng máy sản xuất gạch ốp lát cao cấp và ngói tráng men. Ảnh: T.SỸ |
Theo Sở Công Thương, hiện Bình Định đã thu hút được 15 DN làm chủ đầu tư 17 CCN, diện tích gần 578 ha tại Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh với tổng vốn đầu tư trên 2.892 tỷ đồng. Phần lớn các chủ đầu tư đều có nhiều nỗ lực xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cung ứng các dịch vụ tiện tích; nhiều chủ đầu tư chủ động xúc tiến, thu hút đầu tư. Nhờ đó đến nay, tại các CCN do DN làm chủ đầu tư có 53 dự án, tổng vốn trên 8.905 tỷ đồng của các nhà đầu tư thứ cấp đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Tiếp tục mời gọi DN đầu tư hạ tầng CCN
Theo phương án phát triển CCN đến năm 2030, toàn tỉnh có 68 CCN, tăng 22 CCN so với hiện nay, tổng diện tích đất 3.470 ha, tăng 1.927 ha. UBND tỉnh cũng định hướng tập trung huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN, chỉ giữ lại 15 CCN do nhà nước làm chủ đầu tư, số lượng CCN còn lại sẽ do DN làm chủ đầu tư.
Trên tinh thần đó, Sở Công Thương tập trung đôn đốc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN đảm bảo chỉ tiêu đầu tư đã được UBND tỉnh giao; đồng thời rà soát, đánh giá lại năng lực các chủ đầu tư, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý, thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án không đảm bảo yêu cầu. Cùng với đó, xây dựng và trình UBND tỉnh kế hoạch thực hiện phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, trong đó có việc phân kỳ đầu tư năm 2025 và giai đoạn từ 2026 – 2030 kèm theo vốn đầu tư, nguồn lực đầu tư đối với từng CCN. Mặt khác, tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN theo quy định tại Nghị định số 32/2024 của Chính phủ; xây dựng quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN.
“Cùng với việc thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trên, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến, thu hút và hỗ trợ các DN đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN; khuyến khích chủ đầu tư CCN chủ động trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, công khai minh bạch các chính sách có liên quan thu hút đầu tư vào CCN, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện tốt các dự án”, ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay.
PHẠM TIẾN SỸ
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=286109