Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 15.2, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định tham gia thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cần quy định về chế độ, chính sách để đội ngũ nghiên cứu dành hết tâm sức, trí tuệ cho nghiên cứu KHCN
Tham gia thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là hết sức kịp thời và cần thiết. Đồng thời, Nghị quyết trong phạm vi thí điểm một số cơ chế chính sách để tạo đột phá trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là phù hợp; sau này trong quá trình triển khai thực hiện sẽ tiếp tục nghiên cứu và bổ sung hoàn thiện. “Đi vào nội dung, Nghị quyết có nhiều nội dung mới rất cần thiết, phù hợp. Đơn cử là thành lập quỹ đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xem đây là một quỹ đầu tư rủi ro; các cơ chế về tài chính đối với tổ chức nghiên cứu KHCN công lập; thực hiện việc đầu tư ngân sách nhà nước cho việc nghiên cứu KHCN cho đến sản phẩm đầu ra; cho phép tổ chức nghiên cứu KHCN và cá nhân tham gia tổ chức KHCN được tham gia hoặc tự mình thành lập các DN để cụ thể hóa kết quả nghiên cứu khoa học trở thành thương mại… Đồng thời, có sự phân định về sở hữu tài sản, sở hữu sản phẩm qua kết quả nghiên cứu KHCN. Đây là những cơ chế hết sức đặc thù, giải quyết được các nút thắt về KHCN hiện nay”, đại biểu (ĐB) Toàn phân tích.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đề nghị cần quy định về chế độ, chính sách để đội ngũ nghiên cứu dành hết tâm sức, trí tuệ cho nghiên cứu KHCN. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Tuy nhiên, qua nghiên cứu Nghị quyết, ĐB Toàn nhận định rằng các cơ chế được đề cập trong dự thảo Nghị quyết mới chỉ đề cập về cơ chế tài chính như tự lập quỹ, tự giao kinh phí, tự chủ về kinh phí, sản phẩm sau kết quả nghiên cứu… còn thiếu một số nội dung. Muốn nghiên cứu KHCN được trước hết là vấn đề con người, đội ngũ nghiên cứu đủ mạnh. Trong dự thảo có đề cập đến các chuyên gia, người nước ngoài tham gia. Vì vậy, ĐB Toàn kiến nghị cần có quy định về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nghiên cứu. Để họ dành toàn tâm, toàn ý, dành hết tâm sức và trí tuệ cho việc nghiên cứu.
Đồng thời, khi đã có con người, có điều kiện kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hỗ trợ thì phải tính đến môi trường, điều kiện, phương tiện để các nhà khoa học nghiên cứu. Từ đó, ĐB Toàn cũng đề nghị cần bổ sung chính sách Nhà nước phải có đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Theo ĐB Toàn, đã tạo đột phá trong KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số không phải chỉ những đơn vị KHCN công lập thực hiện mà có các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các thành phần kinh tế, các DN KHCN ở các thành phần kinh tế ngoài nhà nước thực hiện; thậm chí là các tổ chức ở nước ngoài cũng có thể thực hiện. Trên cơ sở đó, ĐB Toàn đề xuất cần có chính sách về đặt hàng KHCN trong dự thảo Nghị quyết.
“Hằng năm cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở yêu cầu thực tiễn trong phát triển KT-XH và đời sống, nhu cầu phát triển của đất nước, địa phương, chúng ta xác định những nhiệm vụ KHCN để thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu để các tổ chức KHCN, các nhà khoa học, kể cả công lập, ngoài nhà nước, trong nước hay ngoài nước tham gia nếu đáp ứng được các điều kiện nghiên cứu và chuyển giao. Ngoài ra, cũng phải có chính sách về nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu KHCN để tạo đột phá trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo của đất nước. Tất nhiên, có những lĩnh vực mà KHCN nền tảng, chúng ta muốn làm chủ, thì phải đầu tư phát triển khoa học cơ bản để nghiên cứu các lĩnh vực chuyên ngành”, ĐB Toàn phân tích.
Nghiên cứu KHCN thì phải có sản phẩm cuối cùng, góp sức cho sự phát triển của đất nước
Tại buổi thảo luận tổ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc (thành viên đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã thông tin, giải trình thêm một số vấn đề về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN mà các ĐBQH quan tâm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng nghiên cứu KHCN thì phải có sản phẩm cuối cùng, góp sức cho sự phát triển của đất nước. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, trong lịch sử phát triển của nhân loại, các phát minh chủ yếu là từ tư nhân. Hay trong thực tiễn những năm kháng chiến, ở nước ta cũng có những nhà bác học rất nổi tiếng như giáo sư Trần Đại Nghĩa người có công lớn trong việc gây dựng nền quân giới, chế tạo vũ khí hoặc giáo sư – bác sĩ Đặng Văn Ngữ nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc Penicillin nước phục vụ kịp thời cho thương, bệnh binh trên các chiến trường… Trong khi đó, thời điểm này, không có nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu hoặc không có viện nghiên cứu, chủ yếu là sự sáng tạo và đào tạo được nguồn nhân lực để làm chủ được công nghệ. “Phạm vi trong dự thảo Nghị quyết chủ yếu nhấn mạnh về tài chính công, còn nguồn vốn từ các DN hay khu vực tư nhân chưa được tính đến. Vì vậy, phải tính toán làm thế nào để có cơ chế tài chính công dẫn dắt và huy động được nguồn lực ngoài tài chính công thì việc đầu tư mới mang lại hiệu quả”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói.
Đối với vấn đề đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc có thể làm được rõ hơn, nhanh hơn. Trong đó, nhà nước sẽ tạo nền tảng. “Cốt lõi của chuyển đổi số là Big Data (cơ sở dữ liệu), AI để phân tích dữ liệu, sóng (5G, 6G), Blockchain (Công nghệ chuỗi – khối), Internet vạn vật… Đây chỉ là những công cụ thôi. Nhà nước sẽ đầu tư một phần, còn lại kêu gọi DN, tư nhân đầu tư tiến đến xã hội số, kinh tế số”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Nhấn mạnh phát triển KHCN phải có cơ chế để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng muốn thực hiện được phải thu hút nhân tài bằng việc tạo cơ chế về đãi ngộ, điều kiện làm việc, đầu tư trang thiết bị… để họ đóng góp cho đất nước. Đồng thời, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao phải đi trước, đi tắt đón đầu, phải tiếp cận được những chương trình đào tạo mới nhất của những nước tiên tiến. “Như thế chúng ta mới làm chủ được KHCN, từ đó mới cải tiến, sáng tạo được”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ quan điểm phải có cơ chế đặt hàng, cơ chế bán sản phẩm, cơ chế nhân rộng trong hoạt động KHCN. Từ đó giảm thiểu các thủ tục hành chính, hướng đến mục tiêu nghiên cứu KH&CN thì phải có sản phẩm cuối cùng, góp sức cho sự phát triển của đất nước. Đi đôi với đó, cũng cần có cơ chế để khuyến khích nhân tài, hợp tác với các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ và sự hỗ trợ mạnh mẽ trong chuyển đổi số.
HỒNG PHÚC – P.PHƯƠNG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=63&mabb=331354