(BĐ) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22.11, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Thủy thống nhất với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị tăng cường giải pháp để kiểm soát các hành vi trốn thuế từ các nguồn cung bia, rượu bất hợp pháp |
Tuy nhiên, ĐB Thủy cho rằng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được thông qua, với lộ trình tăng thuế trong thời gian ngắn, các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia bất hợp pháp có cơ hội tăng cường đưa các sản phẩm này ra thị trường tiêu thụ. Bởi khi đó, mức chênh lệch giá giữa rượu, bia hợp pháp và bất hợp pháp sẽ lớn. Khi giá thành rượu, bia hợp pháp tăng cao, người tiêu dùng sẽ lựa chọn tìm mua sản phẩm bất hợp pháp có giá thấp hơn. Rượu, bia hợp pháp có mức giá cao hơn do phải tuân thủ nhiều quy định của pháp luật như Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia; các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Quảng cáo; Luật Thương mại; Luật Bảo vệ môi trường; Luật An toàn thực phẩm… Hơn nữa, khung pháp lý đối với rượu, bia hợp pháp quá khắt khe do bị hạn chế về cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, quảng cáo, tiếp thị, thuế cao, nhiều chi phí tuân thủ các quy định quản lý liên quan.
“Ngược lại, rượu, bia bất hợp pháp không phải tuân thủ những quy định trên, không phải đóng thuế, không lo bảo vệ môi trường, thông tin lại không rõ ràng, hấp dẫn bởi quảng cáo, xu hướng sính hàng ngoại… từ đó tạo ra lực cầu lớn đối với rượu, bia lậu. Vì vậy, đề nghị cần tăng cường các giải pháp để trong quá trình thực hiện thì sẽ kiểm soát được hành vi trốn thuế từ các các nguồn cung bất hợp pháp”, ĐB Thủy kiến nghị.
Bên cạnh đó, ĐB Thủy đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml như trong báo cáo thẩm tra.
Về bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính dự kiến đưa nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế. Đây là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã làm bởi vì nước uống này là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh về béo phì, đái tháo đường, tim mạch… mà khoa học và y tế đã chứng minh. Hiện nay đã có khoảng 85 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, Việt Nam là nước đang phát triển, tiệm cận quốc gia có thu nhập trung bình cao, trẻ em, giới thanh thiếu niên tiêu dùng nhiều sản phẩm này về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe, cho nguồn nhân lực phục vụ tốt phát triển về sau. ĐB Thủy đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc tại Điều 8 về mức chịu thuế theo lộ trình như thế nào đảm bảo hoạt động của các DN cũng như thu hút các DN trong lĩnh vực này. “Đây là thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn chung, tác động về mặt xã hội trong trường hợp DN khó cạnh tranh, thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cần rà soát các mặt hàng nước uống chứa hàm lượng đường 5g/100ml, thực tiễn, nhiều loại nước uống có lợi cho sức khoẻ đối với thể thao, phục hồi sức khỏe chứa hàm lượng đường trên 5g/100ml… Bên cạnh đó, nguyên nhân của của béo phì không chỉ từ nguyên nhân của đồ uống có cồn, ở đây từ các nguyên nhân khác như lối sống, hoạt động thể chất…”, ĐB Thủy dẫn chứng
Về rượu, bia, ĐB Thủy cho rằng hiện công tác kiểm soát thu thuế chủ yếu tập trung ở các DN, tổ chức sản xuất kinh doanh, trong khi trong thực tế tồn tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, cá thể nhưng cung ứng lượng tiêu thụ cũng khá lớn thì lại chưa xem xét kiểm soát để thu thuế. Từ đó, ĐB Thủy đề nghị Chính phủ rà soát để đề xuất quy định cụ thể, bao quát các đối tượng thuộc diện chịu thuế trong dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị áp thuế thấp đối với loại bia không cồn. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Cũng tham gia thảo luận dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị áp thuế thấp đối với loại bia không cồn. Và để thực hiện được điều này phải thêm khái niệm “bia không cồn” ở Điều 2 về giải thích từ ngữ trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Đồng thời đề nghị phân biệt rõ hai loại xe bán tải để đánh thuế rõ ràng sau khi lấy ý kiến của hiệp hội vận tải, cộng đồng DN ô tô, người tiêu dùng; một loại là xe bán tải để chở hàng và một loại xe bán tải dành cho cá nhân.
HỒNG PHÚC – P.PHƯƠNG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=63&mabb=287045