Phát hiện bệnh cơ tim phì đại 9 năm nhưng không điều trị đúng phác đồ, nữ bệnh nhân 56 tuổi gặp biến chứng đột quỵ và suy tim.
Một chuyên gia tim mạch vừa chia sẻ câu chuyện của bà Hiền (56 tuổi, ngụ Bình Định), một bệnh nhân mắc bệnh cơ tim phì đại đã hơn 9 năm nhưng không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể, bà Hiền đã bị đột quỵ và rối loạn nhịp tim, cuối cùng là suy tim.
Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ. |
Theo bác sỹ điều trị cho nữ bệnh nhân, bà Hiền đã đến bệnh viện sau hai tháng bị đột quỵ. Kết quả MRI não cho thấy tổn thương nhồi máu não vùng vành tia trái, trong khi kết quả Holter ECG ghi nhận nhịp nhanh nhĩ và rung nhĩ cơn. Sau khi thực hiện các xét nghiệm và siêu âm tim, các bác sỹ xác định bà bị suy tim phân suất tống máu bảo tồn.
Đây là hệ quả tất yếu ở những bệnh nhân cơ tim phì đại giai đoạn tiến triển như bà Hiền. Điều này rất đáng tiếc vì biến chứng đột quỵ có thể tránh được nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị ngay từ đầu.
Cơ tim phì đại là bệnh lý di truyền, xảy ra khi các đột biến gene khiến cơ tim phát triển bất thường, làm thành tim dày lên. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, giãn buồng tim, suy tim và hở van 2 lá.
Theo các bác sỹ, loạn nhịp tim là biến chứng phổ biến và nghiêm trọng nhất của bệnh cơ tim phì đại. Các biểu hiện của loạn nhịp tim bao gồm rung nhĩ, nhịp nhanh thất và rung thất, đặc biệt là rung nhĩ có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Các cơn nhịp nhanh thất và rung thất có thể dẫn đến ngừng tim và đột tử.
Theo lời kể của bệnh nhân, năm 2016, bà Hiền được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim phì đại khi thỉnh thoảng bị đau ngực không liên quan đến gắng sức.
Tuy nhiên, do thấy triệu chứng không nghiêm trọng, bà không tuân thủ điều trị đúng phác đồ. Mặc dù bác sỹ đã kê toa thuốc điều trị nội khoa, bà vẫn bỏ tái khám và uống thuốc không đều đặn.
Sau khi thăm khám tại bệnh viện hai năm trước, các bác sỹ xác định rằng thất trái của bà đã giãn lớn và bà đang trong giai đoạn suy tim của bệnh cơ tim phì đại.
Mặc dù bác sỹ đã đề nghị gắn máy Holter ECG để theo dõi nhịp tim liên tục trong 48 giờ, bà Hiền từ chối vì không thể ở lại TP.HCM lâu. Kết quả là tình trạng bệnh của bà tiếp tục tiến triển và dẫn đến biến chứng đột quỵ vào tháng 6/2024.
Bà Hiền bị yếu nửa người bên phải và được chẩn đoán là tai biến mạch máu não. Sau hai tuần điều trị tại bệnh viện địa phương, bà tiếp tục tái khám và phát hiện thêm suy tim.
Các bác sỹ đã kê toa thuốc kháng đông để ngừa huyết khối và đột quỵ tái phát, đồng thời sử dụng thuốc trị suy tim. Sau 6 tháng điều trị nội khoa tích cực, hiện tại bà Hiền đã giảm khó thở khi gắng sức và tình trạng yếu nửa người đã hồi phục. Tuy nhiên, các bác sỹ vẫn đề nghị can thiệp cấy máy phá rung (ICD) do bà thuộc nhóm bệnh nhân có nguy cơ đột tử cao.
Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ.
Mặc dù có một số ít trường hợp đột quỵ xảy đến đột ngột, nhưng phần lớn các bệnh nhân bị đột quỵ do mắc các bệnh lý nền tim mạch như hở van tim, rung nhĩ, loạn nhịp tim, bệnh cơ tim phì đại, suy tim, hoặc đái tháo đường… và không phát hiện hoặc không tuân thủ điều trị.
Từ trường hợp ca bệnh trên, các bác sỹ khuyến cáo bệnh cơ tim phì đại không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị hiện đại giúp giảm thiểu triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Theo các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, các phương pháp điều trị bao gồm thuốc, cấy máy phá rung, cắt vách liên thất và chích cồn vách liên thất. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm giảm uống rượu bia, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều muối và đường, tập thể dục nhẹ nhàng, tránh nâng vật nặng và tham gia các môn thể thao có cường độ cao.
Hiện nay, bệnh cơ tim phì đại có thể được chẩn đoán thông qua kỹ thuật siêu âm tim 4D qua thành ngực. Các bác sỹ khuyến cáo bệnh nhân nên đi khám sớm nếu có triệu chứng như khó thở khi gắng sức, đau ngực khi hoạt động thể lực, ngất xỉu, hoặc đánh trống ngực. Người bệnh cơ tim phì đại cần tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám định kỳ để giảm nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
Nguồn: https://baodautu.vn/suy-tim-dot-quy-vi-khong-tuan-thu-dieu-tri-benh-co-tim-d241246.html