(BĐ) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 17.2, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định tham gia thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tham gia thảo luận Nghị quyết về thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh) đề cập đến 2 vấn đề:
Thứ nhất, đó là việc thực hiện và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học cần chia rõ ra 2 lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Cần có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau giữa 2 lĩnh vực vì mục đích, cách tiến hành và sản phẩm cuối cùng rất khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tham gia thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh. |
Theo ĐB Hiếu, nghiên cứu cơ bản mục đích là xây dựng một nền khoa học bền vững, tiếp cận với khu vực và thế giới. Cách tiến hành cần thời gian đầu tư từ con người như đào tạo, trọng dụng nhân tài đến cơ sở vật chất và hiệu quả sẽ đánh giá bằng các phát minh sáng chế, những bài báo trên những tạp chí top đầu. Nguy cơ không thành công của nhóm này khá cao, đầu tư tốn kém thời gian và tiền bạc nên quả thật hiện nay rất hiếm có những nghiên cứu được nguồn ngân sách đầu tư theo hướng này. Rất may mắn trong thời gian gần đây một số tập đoàn, tổng công ty đã hiểu tầm quan trọng của những nghiên cứu cơ bản nên đã bỏ tiền vào các quỹ tài trợ nghiên cứu và đã thu được thành quả nhất định. Tài trợ có thể chia 2 cách, một là các giải thưởng vật chất khi các nghiên cứu đã công bố thành công, hai là tài trợ cho các hướng đi tiềm năng. Cả 2 cách đều thông qua hội đồng khoa học uy tín, đa phần là các chuyên gia nước ngoài chấm điểm, phản biện, thông qua.
Từ thực trạng trên, ĐB Hiếu đề xuất cần học tập theo cách lựa chọn, nghiệm thu như các đơn vị tư nhân đã làm đối với các nghiên cứu cơ bản. Chấp nhận đầu tư nguồn ngân sách nhất định trong tổng ngân sách quốc gia, ví dụ như 30% các nghiên cứu cơ bản, 70% cho các nghiên cứu ứng dụng. Khi đã tìm ra hướng nghiên cứu được hội đồng quốc tế thông qua, mạnh dạn đầu tư chấp nhận thất bại, chỉ có vậy chúng ta từng bước mới song hành cùng các nước trong khu vực.
Nhà nước cần đầu tư cả đào tạo nhân lực và tổ chức nghiên cứu cơ bản. Cần chọn một số đơn vị trọng điểm (đại học và viện nghiên cứu) để giao nhiệm vụ và đầu tư chuyên sâu chuyên nghiên cứu cơ bản, nhưng theo cơ chế tự chủ trong vận hành và linh hoạt về cách đánh giá. Như Trung Quốc họ chọn 7 đại học để nhận đầu tư trực tiếp từ Nhà nước, nhưng cho vận hành theo kiểu tự chủ và tự do học thuật.
Thứ hai, việc triển khai những hướng đi mới, chưa từng thực hiện trong nghiên cứu khoa học cần có một chính sách mang tính đột phá, vì đây thực sự là một rào cản khó khăn nhất cho các nhà khoa học Việt Nam. Lấy đơn cử trong lĩnh vực y học, theo ĐB Hiếu, trong cả nước chưa có một phòng thí nghiệm động vật (animal lab). Có chăng chỉ là các nghiên cứu nhỏ lẻ trên chuột, thỏ, muỗi…
“Nếu muốn đưa một dụng cụ vào cơ thể hay một loại thuốc chữa bệnh mới cần phải trải qua 3 bước. Bước thứ nhất là thử nghiệm trên động vật, thứ 2 đánh giá tác dụng phụ không mong muốn trên nhóm nhỏ người tình nguyện tham gia nghiên cứu và bước 3 là trên diện rộng có theo dõi dài về hiệu quả của phương pháp so sánh với các phương pháp điều trị đang hiện hành. Nếu không có phòng thí nghiệm động vật, chắc chắn chúng ta cùng lắm chỉ tham gia được vào bước 3 dùng thử trên diện rộng trước khi chính thức thương mại hóa. Việt Nam sẽ không thể có những phát minh sáng chế mang lại nguồn lợi lớn cả về kinh tế lẫn danh tiếng cho nền khoa học của Việt Nam”, ĐB Hiếu phát biểu.
Tuy vậy, theo ĐB Hiếu, muốn thành lập một phòng thí nghiệm động vật không hề dễ dàng. “Tôi đã tiếp xúc với nhiều tổ chức cá nhân khi làm thực nghiệm trên động vật ở Thái Lan, Singapore hay Trung Quốc. Lúc đầu họ cũng hào hứng nghiên cứu nhưng khi tìm hiểu thực tế một thời gian sau đều lắc đầu vì quá nhiều thủ tục. Vậy nên tôi nghĩ rằng chỉ có nhà nước mới có thể đủ tiềm lực để xây dựng một phòng thí nghiệm động vật đầu tiên của Việt Nam. Đây có thể là dấu ấn của nghị quyết này của Quốc hội nhưng theo như ĐBQH Đoàn Nghệ An phát biểu, với ngân sách 500 tỷ đồng cho các phòng thí nghiệm trọng điểm thì khả năng này còn rất xa vời”, ĐB Hiếu nêu thực tế.
Góp ý kiến về vấn đề trọng dụng nhân tài, ĐB Hiếu đề cập đến việc tiêu chuẩn trở thành những lãnh đạo chủ chốt trong nghiên cứu, vận hành hoạt động khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo Việt Nam. “Hiện nay, muốn bổ nhiệm được trưởng phòng, dù là phòng của đơn vị cấp III vẫn cần rất nhiều quy định, ví dụ như phải là phó phòng 2 năm hay phải học qua trung cấp lý luận chính trị. Rất mong nghị quyết sẽ mở ra hướng đi mới để nhiều những người trẻ, nhiệt huyết với nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước sẽ được cống hiến cho đất nước”, ĐB Hiếu kiến nghị.
N.HÂN – P.PHƯƠNG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=63&mabb=331403