Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 13.2, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Cơ chế thông thoáng nhưng phải chặt chẽ trong quản lý nhà nước
Quan tâm nội dung bổ sung mới trong dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) ở chương III về “phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp”, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng việc bổ sung nguyên tắc về phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp là hết sức cần thiết, góp phần tăng tính chủ động, sự sáng tạo của chính quyền địa phương, địa phương tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng việc bổ sung nguyên tắc về phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp là hết sức cần thiết. Ảnh: Đoàn ĐBQH. |
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn cũng đề nghị cần phải quy định theo hướng cấp trên phân cấp cho cấp dưới, còn ủy quyền là cá nhân cấp trên ủy quyền cho cá nhân cấp dưới.
Đối với việc phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương, ĐB Lê Kim Toàn bày tỏ băn khoăn với việc phân cấp, ủy quyền đối với đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị hành chính khác; đề nghị phải tính toán kỹ, đảm bảo tạo cơ chế thông thoáng nhưng phải hết sức chặt chẽ trong quản lý nhà nước. ĐB Toàn cũng đề xuất nếu có phân cấp thì chỉ phân cấp những nội dung mà quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức và hoạt động của chính đơn vị sự nghiệp công lập đó hoặc đơn vị hành chính khác (nếu có).
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cũng kiến nghị Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra xem xét, nghiên cứu thêm một chế định trong cơ cấu Chính phủ và UBND cấp huyện trở lên. Cụ thể là chế định Thường trực Chính phủ, Thường trực UBND cấp tỉnh, Thường trực UBND cấp huyện.
Theo ĐB Toàn, chế định này là hết sức cần thiết, bởi trong những trường hợp thực hiện chức năng nhiệm vụ của Chính phủ, UBND cấp tỉnh hay UBND cấp huyện, khi có những trường hợp cấp bách, công việc đột xuất hoặc đặc biệt không thể họp tập thể được thì chế định này sẽ giải quyết thay.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, về nội dung, ĐB Lê Kim Toàn ủng hộ và khẳng định đây là những vấn đề mang tính nguyên tắc, trên cơ sở kế thừa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc diện sắp xếp, không làm gián đoạn hay ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức, cá nhân, không bỏ trống lĩnh vực.
Tuy nhiên về tổ chức bộ máy, ĐB Toàn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, sau khi Quốc hội sửa đổi các luật tổ chức thì phải ban hành ngay các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị sáp nhập, hợp nhất. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để triển khai thực hiện nhiệm vụ và thực hiện công tác cán bộ, tổ chức bộ máy trong giai đoạn tiếp theo.
Đảm bảo nguồn lực để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy
Tham gia ý kiến tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng, việc ban hành Nghị quyết nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, có nội dung khác, hoặc chưa quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh tham gia thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh. |
ĐB Hạnh cho rằng với quyết tâm chính trị rất cao, chúng ta đang tiến hành đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, ĐB Hạnh cho rằng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy liên quan đến nhiều vấn đề, lĩnh vực, tổ chức bộ máy và con người, do đó trong Nghị quyết cần có những quy định phổ quát hơn trên tất cả các lĩnh vực để đảm bảo không bỏ sót.
Ngoài các nội dung đã nêu trong Nghị quyết, qua thực tiễn, ĐB Hạnh có một số kiến nghị. Về công tác cán bộ, ĐB Hạnh cho rằng về chính sách thì rất tốt, đã tính toán đến các chế độ chính sách đối với những người nghỉ việc khi sắp xếp, sáp nhập các tổ chức. Mục tiêu của việc sắp xếp nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc. Và những người phải về nghỉ là những cán bộ phải thực sự nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình, để những người còn ở lại trong bộ máy vươn lên, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, theo ĐB Hạnh, hiện nay so sánh giữa 2 chính sách áp dụng chế độ nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 177 và Nghị định 178 thì thấy rằng có độ vênh rất cao. “Qua các phương tiện thông tin, báo chí, thấy có một thực trạng rất kỳ lạ là hiện nay có những sở, ban, ngành ở các địa phương, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hàng loạt, có người thì nghỉ theo diện Nghị định 177, có người thì nghỉ theo Nghị định 178. So sánh giữa Nghị định 177 và Nghị định 178 thì thấy rằng chênh lệch về chế độ rất cao, câu hỏi đặt ra là nguồn lực tài chính cho việc tinh giản có đúng mục tiêu, đúng mục đích. Và câu hỏi nữa là không làm phát sinh tâm tư, sự so sánh, rồi có khi dư luận không tốt trong vấn đề này”, ĐB Hạnh đặt vấn đề.
Để giải quyết vấn đề này, theo ĐB Hạnh, nhiều địa phương đã có chỉ đạo cần linh hoạt trong thực hiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các đối tượng được tinh giản, nghỉ hưu trước tuổi, được hưởng thêm hỗ trợ ngoài chính sách đã được quy định, nhằm không để xảy ra độ chênh lệch quá lớn. Tuy nhiên, liên quan đến nguồn lực tài chính, ngân sách thì cần phải có những quy định chặt chẽ. Do vậy, ĐB Hạnh đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội có thể xem xét và có cơ chế cho các tỉnh chủ động trong việc sử dụng các nguồn ngân sách địa phương để đảm bảo cho công tác này.
Song song với công tác tinh giản bộ máy, theo ĐB Hạnh, tới đây sẽ có những cơ quan mới, những chức năng, nhiệm vụ mới và những hoạt động mới thì công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ cần phải được quan tâm. vì công tác cán bộ là công tác thường xuyên của Đảng.
Do đó, ĐB Hạnh đề nghị cần phải quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và đảm bảo quyền lợi chính trị của cán bộ, công chức, viên chức và người thi hành công vụ sau khi sáp nhập.
H.PHÚC – N.HÂN – P.PHƯƠNG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=63&mabb=321240