Nối dài đời sống văn học dịch của Bình Ðịnh
Dịch giả Trà Ly qua đời năm 2019 đã để lại khoảng trống khó khỏa lấp ở mảng văn học dịch Bình Ðịnh. Nhưng nhờ nỗ lực vượt bậc, mấy năm gần đây khoảng trống văn học dịch Bình Ðịnh đã có một số bù khuyết đáng mừng.
1. Tuy không chuyên tâm nhưng nhà văn Trần Như Luận (ở TP Quy Nhơn) gắn bó với văn học dịch khá sớm. Từ khoảng năm 2000 tới nay, anh đã dịch khoảng 120 truyện ngắn và hơn 90 bài thơ. Trong đó, truyện ngắn chủ yếu là tiếng Anh; thơ chủ yếu là tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Hán…
Nhà văn Trần Như Luận nghiên cứu các ấn bản để chuyển ngữ. Ảnh: NVCC |
Nhắc nhớ về những ngày đầu đến với công việc dịch tác phẩm văn học, anh tâm sự: “Tôi thật sự đến với việc dịch truyện ngắn nước ngoài một cách bài bản kể từ khi giao du thân thiết với các tình nguyện viên
New Zealand tại Quy Nhơn gần 30 năm trước. Tôi mượn họ tập truyện ngắn do một nhà văn New Zealand sáng tác, rồi dịch chừng 5 – 7 truyện, chép tay trên giấy A4. Khi có máy tính, tôi vào mạng, tìm các truyện ngắn được bình chọn là “Top 100 truyện ngắn Anh – Mỹ đặc sắc nhất”, hoặc “50 bài thơ Anh – Mỹ đặc sắc nhất”, hoặc chọn các tác phẩm đoạt giải nhất truyện ngắn Anh quốc hằng năm, rồi tập dịch”.
Cuối năm 2023, nhà văn Trần Như Luận in bản tuyển dịch đầu tay Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh của 5 nhà văn: Kate Chopin, James Toyce, Louisa May Alcott, Nathaniel Hawthorne, Ambrose Bierce. Sách được xuất bản với sự thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2023 và được nhà phát hành FAHASA bình chọn là 1 trong 100 đầu sách bán chạy nhất tháng 6 và tháng 7 năm 2024.
2. Tác giả Lê Minh Kha, hiện đang giảng dạy Văn học phương Tây tại Khoa Khoa học xã hội nhân văn (Trường ĐH Quy Nhơn), là người thầm lặng gắn bó với việc dịch hơn 10 năm nay và chuyển ngữ tác phẩm văn học của nhiều tác giả như Mark Twain, Kate Chopin, Ellen Robena Field, Pearl S. Buck, Alice Munro, Jorge Luis Boges, Adonis… “Tôi hay dịch các tác phẩm văn học phương Tây, nhất là Anh, Mỹ vì yêu thích các sáng tác của các tác giả, đồng thời một phần cũng phục vụ cho công việc giảng dạy”, anh chia sẻ.
Tác giả trẻ Trần Gia Hải hiện đang dịch tự do và tham gia dịch cho một số nhà xuất bản. Ảnh: N.P |
So với các tác giả khác, Trần Gia Hải (SN 2000, hiện sống và làm việc tại TP Quy Nhơn) là một dịch giả trẻ mới bắt đầu công việc dịch 2 năm nay. Nhiều truyện ngắn của Hải dịch đã được tạp chí Văn nghệ Bình Định chọn đăng tải như Gió cuốn của Katherine Mansfield, Trở về của Annie Ernaux. Hiện anh đang tham gia dự án dịch tập truyện Mosses from an old manse của Nathaniel Hawthorne cho một nhà xuất bản.
Anh Hải tâm sự: “Điều khác biệt giữa những người dịch nằm ở khả năng tri giác ngôn ngữ, năng lực đồng cảm để lắng nghe tâm hồn và tinh thần của tác phẩm, tác giả. Người dịch không chỉ dừng lại ở việc truyền tải nghĩa của từ ngữ, mà còn phải diễn đạt được tinh thần vượt lên, tâm hồn ẩn sâu trong tác phẩm. Điều này không chỉ tạo nên một bản dịch trung thực về mặt nội dung, mà còn mang đến cho người đọc ở ngôn ngữ đích những cảm giác, ý niệm và trải nghiệm sống động tương tự như khi đọc tác phẩm nguyên bản”.
3. Đầu tháng 10.2023, nhận thấy lợi thế và xu hướng phát triển của văn học mạng, nhà văn Trần Như Luận thành lập diễn đàn văn học trực tuyến Nhịp Sống Văn Học. Đến nay, nhóm đã có gần 3.000 thành viên và có nhiều hoạt động thu hút nhiều thành viên tham gia.
Từ tháng 3.2024, trang phát động chương trình Dịch thơ trực tuyến. Theo nhà văn Trần Như Luận, chương trình này diễn ra khá sôi nổi, với sự tham gia thường xuyên của khoảng
20 nhà thơ. Thơ mời dịch đa phần là tác phẩm nổi bật của các thi sĩ trên thế giới. “Dự định của chúng tôi là sẽ xuất bản một bộ tác phẩm dịch, gồm 3 tập, có cả văn xuôi và thơ, lấy tựa đề là Đến với 99 kiệt tác văn học thế giới xưa và nay. Năm 2025, chúng tôi sẽ in tập 1; năm 2026, sẽ in tập 2”, nhà văn Trần Như Luận cho hay.
Nhà thơ Nguyễn Đức Quận hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Quy Nhơn cũng là một thành viên của trang Nhịp Sống Văn Học, bắt đầu tiếp cận dịch thơ từ các cuộc thi của trang.
Anh chia sẻ: “Gần đây, trang Nhịp Sống Văn Học có chủ xướng đề ra thi dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt. Đến nay, tôi tham gia dịch hơn 20 kỳ, đủ các thứ tiếng và được vinh danh 10 lần, gồm các giải từ nhất đến giải ba. Sắp đến, tôi sẽ chọn một số bài thơ hay, nổi tiếng ngắn gọn để dịch thêm và chọn một số bài đã đoạt giải để in thành một tập thơ dịch cho cá nhân”.
***
Mảng văn học dịch kén người, số người tham gia ở mảng này tại một số tỉnh thành chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí nhiều địa phương không có. Trong bối cảnh đó, việc số người tham gia mảng văn học dịch ở Bình Định nhiều hơn trước là một dấu hiệu tích cực. Hy vọng, sự chú tâm của các dịch giả sẽ mang đến nhiều tác phẩm tốt, góp phần làm phong phú đời sống văn chương, phục vụ bạn đọc tốt hơn.
NGÔ PHONG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=285920