Thời gian qua, tổ chức Ðoàn các cấp đã triển khai nhiều cách làm hiệu quả giúp ÐVTN phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều thanh niên có thêm động lực vượt khó, vươn lên xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Hỗ trợ trên nhiều phương diện
Năm 2024, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, như: Tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kiến thức xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, nhãn hiệu tại các huyện miền núi; Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp giải ngân cho 3 dự án vay 200 triệu đồng/dự án; tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo để phát hiện, hỗ trợ các dự án giàu tiềm năng phát triển bền vững; triển lãm sản phẩm khởi nghiệp, lập nghiệp thanh niên dân tộc thiểu số…
Đại diện Thị đoàn An Nhơn nghe anh Ngô Trần Viết Thịnh thông tin thêm về các loại máy móc chuyên dụng và tình hình kinh doanh tại cơ sở. Ảnh: D.L |
Ở cấp huyện, nhiều cách làm hay cũng được triển khai với phương châm “định hướng, kết nối, cùng phát triển”. Mô hình CLB thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế tại huyện Hoài Ân là một ví dụ. Toàn huyện có 15 CLB, nhiệm vụ chính là hỗ trợ thành viên tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn vay; phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại những mô hình tiêu biểu; xây dựng quỹ chung để giúp đỡ một số thành viên khó khăn về vốn.
Anh Lê Thanh Việt, Bí thư Huyện đoàn Hoài Ân, cho biết: “CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế đã và đang khuyến khích ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Cùng với đó, CLB này cũng góp phần thu hút ĐVTN tham gia tổ chức Đoàn tại cơ sở”.
Cùng với tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tổ chức Đoàn còn đẩy mạnh hỗ trợ vốn, giới thiệu sản phẩm cho ĐVTN. Tại TX An Nhơn, năm 2024, có 100 thanh niên được vay vốn giải quyết việc làm với tổng số tiền 5,24 tỷ đồng (theo kênh của Đoàn Thanh niên). Không chỉ được vay vốn, nhiều trường hợp còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; số khác thì được giới thiệu việc làm phù hợp với năng lực, nguyện vọng…
Đầu tháng 11.2024, Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại số 44 đường Quang Trung (phường Bình Định, TX An Nhơn) hoạt động, tăng thêm cơ hội quảng bá sản phẩm đặc trưng địa phương, trong đó có các mặt hàng do chủ cơ sở là thanh niên sản xuất.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Bí thư Thị đoàn An Nhơn, cho hay: Thông qua cửa hàng, các sản phẩm được đến gần với khách hàng hơn, mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ có động lực phấn đấu khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời, đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động tư vấn, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng về khởi nghiệp, kinh doanh, bán hàng cho ĐVTN”.
Tạo động lực phát triển
Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, ngày càng nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công, mở rộng quy mô kinh doanh, tạo việc làm cho các lao động ở quê hương. Là trường hợp gần nhất được Tỉnh đoàn, Thị đoàn An Nhơn kết nối, hỗ trợ hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để vay 300 triệu từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn (gọi tắt là nguồn vốn 120) vào tháng 7 vừa qua, anh Ngô Trần Viết Thịnh (35 tuổi, ở phường Bình Định, ở TX An Nhơn) rất phấn khởi.
Anh Thịnh có 15 năm kinh nghiệm học nghề và mở tiệm in decal, tem xe máy, trang trí làm đẹp ô tô. Ngày trước, cơ sở của anh chủ yếu phục vụ xe máy. Đến cuối năm 2020, được vay 300 triệu từ nguồn vốn 120, anh mở rộng xưởng, thêm dịch vụ cho ô tô và in quảng cáo. Hiện tại, doanh thu cơ sở của anh đạt khoảng 70 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 5 thanh niên với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Thịnh chia sẻ: “Để theo kịp sự phát triển của KHCN cũng như yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, tôi đề xuất nguyện vọng vay vốn và được Thị đoàn, Tỉnh đoàn nhiệt tình hỗ trợ. Dự kiến, với 300 triệu đồng từ gói vay mới, tôi sẽ đầu tư, nâng cấp các máy móc chuyên dụng để phục vụ cho công việc”.
Bên cạnh hỗ trợ thanh niên có nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh, các cấp đoàn còn chú trọng đồng hành với các dự án do thanh niên thực hiện. Sau 1 năm đạt giải nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Bình Định năm 2023, với dự án phát triển các sản phẩm xà bông rửa mặt từ nghệ, gừng, chị Phan Thị Bích Cẩm (31 tuổi, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ) vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn.
Theo đó, chị Cẩm được tham gia lớp huấn luyện tập trung về khởi nghiệp; được Tỉnh đoàn giới thiệu dự án qua Trung tâm Khám phá khoa học và Ðổi mới sáng tạo (Sở KH&CN) để ươm tạo; kết nối với các DN trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ kêu gọi đầu tư vốn cho sản phẩm; giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh…
“Nếu Tỉnh đoàn hỗ trợ về mặt kết nối, giúp sản phẩm đến gần hơn với khách hàng thì Huyện đoàn vừa trao vốn, vừa góp ý để sản phẩm hoàn thiện về bao bì lẫn chất lượng, đồng thời gợi ý những cách làm hay để đưa sản phẩm xà bông lên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, chỉ trong vòng 1 năm, số lượng sản phẩm xà bông bán ra đã tăng từ 100 bánh lên 500 – 600 bánh/tháng. Thu nhập nhờ đó mà cải thiện tốt hơn nhiều so với trước”, chị Cẩm chia sẻ.
DƯƠNG LINH
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=4&mabb=287269