Ngày 20.1.2025, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 232-QÐ/TW về thi hành Ðiều lệ Ðảng, có hiệu lực kể từ ngày ký. Quy định 232-QÐ/TW nêu rõ các quy định trước đây trái với nội dung Quy định này đều bãi bỏ. Trong đó có một số điểm mới như sau:
Điểm mới về kết nạp Đảng
Một là, về giới thiệu và kết nạp người vào Đảng, Quy định 232-QĐ/TW quy định “Vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị của người vào Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị”. Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 quy định “Vấn đề lịch sử chính trị, chính trị hiện nay và tiêu chuẩn chính trị của người vào Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị”.
Như vậy, Quy định 232-QĐ/TW đã bỏ nội dung “Vấn đề lịch sử chính trị, chính trị hiện nay” mà chỉ còn “Vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị” của người vào Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.
Tỉnh đoàn tổ chức tuyên dương các đảng viên trẻ tiêu biểu tỉnh Bình Định năm 2025. Ảnh: Tỉnh Đoàn |
Hai là, về đối tượng không xem xét kết nạp lại, Quy định 232-QĐ/TW quy định “Không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: Tự bỏ sinh hoạt Đảng; làm đơn xin ra khỏi Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn); gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; bị kết án hình sự về tội tham nhũng; bị kết án hình sự về tội phạm nghiêm trọng trở lên”. Trước đây, Quy định 24-QĐ/TW quy định “Không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: Tự bỏ sinh hoạt đảng; làm đơn xin ra Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn); gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; bị kết án vì tội tham nhũng; bị kết án về tội nghiêm trọng trở lên”.
Như vậy, Quy định 232-QĐ/TW nêu rõ đối tượng “bị kết án hình sự về tội tham nhũng; bị kết án hình sự về tội phạm nghiêm trọng trở lên” thì không xem xét kết nạp lại.
Ba là, giải quyết khiếu nại về xóa tên đảng viên, Quy định 232-QĐ/TW quy định “Cơ quan tham mưu về công tác tổ chức của cấp ủy có trách nhiệm tham mưu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại”. Quy định 24-QĐ/TW quy định “Cơ quan tổ chức của cấp ủy có trách nhiệm tham mưu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại”.
Như vậy, Quy định 232-QĐ/TW đã bổ sung, nêu rõ cơ quan có nhiệm vụ tham mưu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại là “Cơ quan tham mưu về công tác tổ chức của cấp ủy”.
Điểm mới về sinh hoạt Đảng
Một là, về trách nhiệm giới thiệu sinh hoạt đảng, Quy định 232-QĐ/TW quy định “Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ủy nhiệm cho ban tổ chức của cấp mình; các cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở đảng thuộc Quân ủy Trung ương được ủy nhiệm cho cơ quan chính trị cùng cấp; Đảng ủy Công an Trung ương được ủy nhiệm cho Cục Tổ chức cán bộ trong việc giới thiệu sinh hoạt đảng”. Quy định 24-QĐ/TW quy định “Các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối DN Trung ương ủy nhiệm cho ban tổ chức của cấp mình; các cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở đảng thuộc Quân ủy Trung ương được ủy nhiệm cho cơ quan chính trị cùng cấp; Đảng ủy Công an Trung ương được ủy nhiệm cho cơ quan đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong việc giới thiệu sinh hoạt đảng”.
Như vậy, Quy định 232-QĐ/TW đã sửa đổi, bổ sung các cơ quan có trách nhiệm giới thiệu sinh hoạt đảng.
Hai là, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Quy định 232-QĐ/TW quy định “Hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng và tương đương trở lên, cấp ủy cấp cơ sở, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy viên các cấp và đảng viên phải tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; có kế hoạch, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm”. Quy định 24-QĐ/TW quy định “Hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở và tương đương trở lên, cấp ủy cấp cơ sở, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy viên các cấp và đảng viên phải tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; có kế hoạch, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm”.
Như vậy, Quy định 232-QĐ/TW quy định trách nhiệm “tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; có kế hoạch, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm” trước hết thuộc về “Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng và tương đương trở lên, cấp ủy cấp cơ sở, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy viên các cấp và đảng viên”.
Điểm mới về tổ chức Đảng
Một là, về tổ chức Đảng, Quy định 232-QĐ/TW bổ sung quy định “Đảng ủy là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội của đảng bộ”.
Hai là, về điều kiện để đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở, Quy định 232-QĐ/TW quy định “Chỉ giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở ở cơ quan, DN, đơn vị sự nghiệp, đơn vị LLVT (mà cấp trên trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương) khi có đủ các điều kiện sau đây: Có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một cơ quan, đơn vị, DN; có số lượng từ 400 đảng viên trở lên. Đối với đảng bộ trong các ban, bộ, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, đảng ủy trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh có thể ít hơn nhưng ít nhất từ 200 đảng viên trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Bí thư xem xét, quyết định”. Quy định 24 quy định “Chỉ giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở ở cơ quan, DN, đơn vị sự nghiệp, đơn vị LLVT (mà cấp trên trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương) khi có đủ các điều kiện sau đây: Có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một đơn vị chính quyền hoặc cơ quan quản lý; có số lượng từ 400 đảng viên trở lên”.
Như vậy, Quy định 232-QĐ/TW quy định rõ 2 trường hợp về điều kiện để đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở: Có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một cơ quan, đơn vị, DN; có số lượng từ 400 đảng viên trở lên. Đối với đảng bộ trong các ban, bộ, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, đảng ủy trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh có thể ít hơn nhưng ít nhất từ 200 đảng viên trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Bí thư xem xét, quyết định.
THIÊN TRÚC
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=2&mabb=311130