Nhen lên tình yêu hát bội, bài chòi
Bên cạnh chương trình giới thiệu hát bội, dân ca bài chòi tại các trường trong tỉnh, cũng như cho học sinh trải nghiệm thực tế tại Nhà hát, từ tháng 5 – 12.2024, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh còn truyền dạy hát bội, bài chòi cho học sinh Trường THCS Nhơn Thành (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) và Trường THCS Hoài Châu (xã Hoài Châu, TX Hoài Nhơn).
Nhiều học sinh biết hát bội, bài chòi
Nghệ sĩ Thái Phiên, diễn viên Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) – người truyền vai vua Quang Trung trong trích đoạn hát bội Quang Trung lên ngôi (vở Mặt trời đêm thế kỷ) cho học sinh Trường THCS Nhơn Thành, chia sẻ: “Chúng tôi đến trường tập cho các em bằng cách làm một vài động tác diễn thị phạm, rồi cho các em thử giọng bằng một câu nói lối trong hát bội và diễn theo, nhưng rất vui vì phát hiện ra nhiều em có chất giọng hát bội, nắm bắt nhanh trong quá trình học diễn xuất”.
Tỏ ra thích thú khi lần đầu được hóa trang, mặc trang phục hát bội và lên sân khấu diễn vai vua Quang Trung trong trích đoạn Quang Trung lên ngôi, em Nguyễn Quốc Đan, học sinh lớp 9A6 Trường THCS Nhơn Thành, bày tỏ: “Lần đầu tiên đứng trên sân khấu diễn hát bội, nhưng em cũng tự tin thể hiện những gì mình được học và đã nhận nhiều lời khen của bạn bè, thầy cô, các cô chú nghệ sĩ, em vui không thể tả. Em cũng muốn sau này trở thành nghệ sĩ hát bội để gìn giữ nghệ thuật này”.
Còn em Nguyễn Lê Phương Yến, học sinh lớp 8A1, diễn vai Trưng Trắc trong trích đoạn hát bội Trưng Vương đề cờ (vở Trưng nữ vương), thổ lộ: “Em cũng từng tham gia hô bài chòi dân gian trong trường, bây giờ lại được học hát bội khiến em thấy yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống Bình Định, yêu lịch sử dân tộc nhiều hơn. Em sẽ tham gia tích cực hơn trong phong trào văn nghệ của trường để lan tỏa nét đẹp di sản văn hóa quê hương”.
Truyền vai trong các trích đoạn ca kịch bài chòi Tình bạn (vở Chuyện tình nàng Sita) cho học sinh Trường THCS Nhơn Thành và trích đoạn Ông xã – Bà đội cho học sinh Trường THCS Hoài Châu, NSƯT Phương Phú -diễn viên Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), tâm tình: “Chúng tôi giới thiệu những điệu lý tang tít, lý cây bông, lý thương nhau… mà các em đã biết trong tiết học môn âm nhạc, tập thêm cho các em những làn điệu khác, như: Xàng xê lụy, xuân nữ, cổ bản… để diễn xuất. Dù chỉ tập tại mỗi trường được 2 – 3 ngày, nhưng chúng tôi thấy rất vui bởi các em tiếp nhận và thực hành rất tốt”.
Trích đoạn hát bội Trưng Vương đề cờ do học sinh Trường THCS Hoài Châu (TX Hoài Nhơn) biểu diễn khiến khán giả thích thú. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Tiếp thêm tình yêu nghệ thuật truyền thống
NSƯT Hoàng Thanh Bình, diễn viên Đoàn tuồng Đào Tấn – người truyền vai trong các trích đoạn hát bội Quang Trung lên ngôi, Trưng Vương đề cờ, chia sẻ: “Thông qua hoạt động này đã giúp Nhà hát tìm ra được nhiều em bộc lộ năng khiếu hát bội, bài chòi. Đây cũng là lần đầu tiên Nhà hát phối hợp các trường tổ chức những hoạt động như thế này, không chỉ nghệ sĩ mừng vui mà học sinh cũng hào hứng”.
Chương trình dạy hát bội, bài chòi tại trường học cũng là nhiệm vụ của Nhà hát thực hiện kế hoạch ký kết phối hợp giữa Sở VH&TT và Sở GD&ĐT triển khai chương trình học tập, giáo dục nghệ thuật sân khấu truyền thống trong và ngoài nhà trường, giai đoạn 2023 – 2026, hướng tới mục tiêu bồi đắp tình yêu di sản của quê hương Bình Định cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có ý thức giữ gìn, lan tỏa vốn quý của cha ông để lại.
NSƯT Huỳnh Thị Kim Châu, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết: “Nhà hát đang tham mưu Sở VH&TT trình UBND tỉnh triển khai Đề án đào tạo nhân lực trẻ cho sân khấu hát bội, bài chòi. Việc đưa hát bội, bài chòi vào trường học cũng để định hướng nghề nghiệp cho các em, chúng tôi cũng kỳ vọng trong số học sinh có năng khiếu được Nhà hát truyền dạy hát bội, bài chòi tại hai trường sẽ đam mê và theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp để trở thành lớp nghệ sĩ trẻ kế cận thực hành hai loại hình nghệ thuật hát bội, dân ca bài chòi của Bình Định”.
Những hoạt động lan tỏa giá trị hát bội, bài chòi của Nhà hát và các trường, các địa phương đang làm là hướng đi hiệu quả góp phần phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=289045