Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Tôi tâm phục, khẩu phục thơ trẻ
Nhà thơ Tạ Văn Sỹ (SN 1955 tại thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, Tây Sơn, Bình Ðịnh) hiện đang sinh sống ở Kon Tum. Anh viết đa dạng: Nghiên cứu, tùy bút… đặc biệt là thơ. Thơ anh phóng khoáng, đầy chất tự sự, giàu chiêm nghiệm, trong đó có nhiều sáng tác hướng về quê nhà Bình Định. Anh đã in một số tập thơ, gần đây nhất là tập Thơ Chọn (NXB Hội Nhà văn, 2024). Dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng anh.
* Quê nhà Tây Sơn hẳn còn lưu giữ trong anh nhiều kỷ niệm?
– Tôi rời quê nhà đúng năm lên 10 tuổi, nên trong tôi giờ chỉ là những ký ức vụn thời thơ ấu về một miền quê bán sơn địa của Bình Định. Tôi cùng bè bạn thôn xóm đi học trường làng, cùng đi chăn bò, tát đìa, câu cá, đuổi theo chuồn chuồn, leo trèo bắt tổ chim non, đào dế… quẩn quanh bên một vùng ruộng hóc nhỏ hẹp! Bạn xưa người mất người còn, quê hương mỗi bận về lại thêm chút đổi thay. Những ký ức thân thương thời ấy tuy không nhiều nhưng mãi mãi khắc sâu trong tôi.
* Viết đa dạng, nhưng thơ mới là thể loại anh đắm đuối hơn cả…
– Nghiệp viết của tôi bắt đầu bằng thơ. Năm 12 tuổi bắt đầu ngọng nghịu làm thơ. Đến năm 15 tuổi (1970) bắt đầu có thơ được đăng trên báo. Thơ đến với tôi tự nhiên nên tôi không rõ “nó” đến từ đâu và đến như thế nào! Suốt đời tôi chỉ làm rẫy ruộng, vườn tược và chạy xe ôm kiếm sống. Có vất vả, nghèo khó đấy, nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận cuộc đời mình. Những trải nghiệm đời ấy ít nhiều cũng đã đi vào thơ tôi rất… tự nhiên: Hồn tôi như địa chất/ Tầng tầng trầm tích xưa/ Suốt đời tôi khai quật/ Tìm nỗi buồn ban sơ…
Tôi làm thơ rất nhiều, nhưng in thành sách thì chỉ 5 tập, mỗi tập 40 bài rồi… dừng hẳn! Đến độ tuổi vơi dần sự rung động non tơ, sự tung tẩy của tuổi trẻ, cảm thấy tự mình đạp phải bóng mình… thì tôi chuyển sang văn xuôi! Vả lại, tuổi tác lại phù hợp với mảng sưu tầm, biên khảo hơn.
Tôi dừng hẳn còn vì tự thấy thơ mình đã cũ. Quá cũ! Tự tôi thấy ra mình không theo kịp các bạn trẻ! Đọc thơ của họ, tôi tâm phục, khẩu phục, bởi họ viết tài quá, giỏi quá! Thấy cách lập ngôn, lập tứ của bạn trẻ tôi nghĩ dẫu mình có phi ngựa quý cũng không “đu bám” theo kịp!
Nhà thơ Tạ Văn Sỹ tặng tác phẩm mới Thơ Chọn cho bạn đọc. Ảnh: NVCC |
* Dù xa quê, nhưng sợi dây kết nối của ông với quê nhà vẫn…
– Vâng, dù xa quê nhưng mối liên hệ giữa tôi với quê nhà Bình Định luôn gần gũi và sâu đậm. Tất cả họ hàng bà con xa gần của tôi đều còn ở Bình Định. Mọi việc hiếu hỷ, giỗ chạp, tang ma… tôi đều về quê cả. Qua đó tôi có rất nhiều bè bạn đồng hương, đặc biệt là những bạn bè cùng nghiệp văn chương như Trần Viết Dũng, Mai Thìn, Lê Hoài Lương, Văn Trọng Hùng, Triều La Vỹ, Quang Khanh, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Hà Nam… Quan hệ giữa tôi với họ rất tốt đẹp, thân tình, trân quý.
Chắc chừng trên chục bài thơ tôi viết về “xứ Nẫu” quê nhà có rõ dáng hình, địa danh Bình Định, còn thấp thoáng ảo mờ đâu đó một bóng dáng quê nhà thì bàng bạc ở nhiều bài thơ khác! Xa xôi gì thì xa xôi, cái cuống rún của tôi hãy còn chôn nơi quê cha đất tổ kia mà. Nên có khi, tôi viết: “Người phương đông, ta ở phương đoài/ Sao Hôm ngàn thuở nhớ sao Mai/ Gởi tình theo bóng mây rời núi/ Về đổ thành mưa xuống biển dài…”.
* Chúc mừng anh với tập thơ mới – Thơ Chọn – anh có thể chia sẻ đôi nét về tập thơ này?
– Tập Thơ Chọn này đúng ra tôi không có ý in ấn gì đâu. Chỉ vì cô bạn (cũng là một nhà thơ) ở TP Hồ Chí Minh có nhã ý in “kỷ niệm” cho tôi một tập thơ 100 bài lấy ra từ 5 tập đã in. Thế là tôi có tập này đấy! Gọi là “thơ chọn” nhưng cũng chả chọn lựa gì kỹ càng cả, chỉ việc bỏ bớt một nửa (100 bài) trong 5 tập thơ đã in, lấy lại một nửa là… xong!
* Hè 2024, tên anh được nhắc đến nhiều hơn khi ca sĩ Long Nhật đọc “nhầm” thơ anh – bài Một chút Kon Tum – trên một chương trình truyền hình nổi tiếng…
– Bài thơ ấy tôi viết đầu năm 1992, vừa sau khi tách tỉnh Gia Lai – Kon Tum thành hai tỉnh. Bài thơ liền được nhạc sĩ Võ Ngọc Minh (cũng người Bình Định ta đấy!) phổ thành ca khúc. Ca khúc liền được phổ biến đến độ… phổ cập khắp Kon Tum, được bà con yêu mến cho là… bài Tỉnh ca của Kon Tum!
Thế nên khi nghe ca sĩ Long Nhật đọc chệch Kon Tum thành Tuyên Quang (để tặng một em gái Tuyên Quang) thì dư luận Kon Tum không chấp nhận, họ “lên án” Long Nhật! Sau đó, tôi được ca sĩ Long Nhật gọi điện thoại xin lỗi và nhận lỗi về sự “nhịu nhại” trên. Long Nhật cũng đã công khai đính chính lại sự việc, tôi nghĩ chuyện như vậy tạm khép lại là được rồi.
* Dường như anh vẫn còn ôm ấp nhiều điều muốn thực hiện?
– Nếu có điều kiện thì tôi in thêm vài đầu sách nữa, hầu hết là tạp bút về lịch sử và văn hóa – văn nghệ còn nằm trong bản thảo. Tôi cũng sưu tầm, tập hợp được chừng gần 70 bài báo và dư luận viết về mình; và cũng đang lưu từng ấy bài thơ, sáng tác của bạn bè văn chương khắp nơi đã cảm khái từ cuộc đời quăng quật của tôi mà viết tặng tôi. Nếu được dịp, tôi cũng sẽ cho in để làm kỷ niệm! Thế thôi!
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
SƠN TRIỀU (Thực hiện)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=287101