NHÀ THƠ PHẠM VĂN PHƯƠNG:
Mộc mạc từ câu thơ đến đời sống
Nhà thơ Phạm Văn Phương (SN 1958, ở TX An Nhơn) tham gia Hội VHNT tỉnh từ năm 1990 và miệt mài sáng tác đến nay. Ông có lối viết mộc mạc, gần gũi với đời thường, chạm đến trái tim của bạn đọc.
Trong suốt quá trình cầm bút sáng tác từ năm 1972 đến nay, ông đã cho ra mắt 3 tập thơ: Hái bên đường (NXB Văn học, năm 2005), Lặng lẽ hương (NXB Văn hóa – Văn nghệ, năm 2020), Rồi xa xôi người (NXB Hội nhà văn, năm 2023), mới nhất là tập thơ Với nghìn trùng (NXB Hội nhà văn) vừa được ông ra mắt vào đầu tháng 12.2024.
Xuyên suốt 77 bài thơ trong tập thơ Với nghìn trùng, ông dành nhiều cho những người bạn hữu, người ông mến mộ, đồng nghiệp, học trò, nơi từng công tác, gia đình, quê hương và những cảm xúc bất chợt.
Nhà thơ Phạm Văn Phương cho biết, ngày trước ông thường xuyên đi đến nhiều nơi, lúc nào cũng mang theo cuốn sổ và cây bút để tiện cho việc ghi chép, lưu giữ kỷ niệm của mình.Ảnh: K.VÂN |
Nhớ về Quy Nhơn – nơi ông xem như quê hương thứ hai và kết nghĩa với nhiều người bạn hữu, ông viết: “Xanh như giấc mơ chúng mình thời mới lớn/ những con chim biển bay trên trùng khơi/ như đôi mắt ta chứa cả bầu trời/ nồng nã thế suốt một thời trai trẻ/ thương mến vậy tìm nhau qua dâu bể/ đâu rồi lọn tóc xanh xưa…” (Quy Nhơn Xanh). Lúc nhớ má, ông nghẹn ngào: “Má gặt vội lúa trên đồng/ máy bay đang bắn rốc két/ má không sợ má chết/ chỉ lo không ai nuôi các con…” (Nhớ má).
Mỗi bài thơ như một bức tranh về hiện thực cuộc sống, mà bất kỳ ai cũng có thể bắt gặp chính mình trong đó. Nhà thơ Phạm Văn Phương chia sẻ: Tôi không cố tình và gò bó mình vào hoàn cảnh nhất định để làm thơ. Khi rung động trước điều gì, những hình ảnh, câu chuyện diễn ra làm tôi ấn tượng thì tôi hay ghi chép lại và giữ đó làm kỷ niệm. Có thể nói, mỗi tập thơ không khác gì cuốn nhật ký của đời tôi.
Khi học cấp II, nhà thơ Phạm Văn Phương đã sáng tác thơ, làm thơ và năng nổ trong các hoạt động văn học của trường, đặc biệt làm báo tường, tập san là điều làm ông nhớ nhất. Đến khi học tại Trường ĐH Quy Nhơn, ông kết giao thêm nhiều bạn bè và gặp gỡ những người có cùng đam mê. Bên cạnh đó, 40 năm gắn bó với nghề giáo, ông có nhiều kỷ niệm với đồng nghiệp, học trò, được ông thường xuyên nhắc đến những tập “nhật ký” của mình.
Phạm Văn Phương chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có công tác giảng dạy ở phường Tam Quan Bắc, Hoài Hảo (TX Hoài Nhơn), phường Nhơn Hòa, Bình Định (TX An Nhơn). Quá trình làm thơ không ảnh hưởng đến chuyện dạy học và ngược lại. Tôi làm thơ đến nay cũng hơn 50 năm. Biết là quãng thời gian của mình không còn nhiều, nên góp nhặt lại để lưu dấu cho mình và tặng lại cho anh em thân thiết làm kỷ niệm.
KIỀU VÂN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=287926