Nhà thơ, nhà báo Trần Lê Sơn Ý: Ngồi lại để lắng nghe nhau
Sau 6 năm vắng bóng, cuối năm 2024, nhà thơ, nhà báo Trần Lê Sơn Ý cho ra mắt bạn đọc tập tản văn Thương một tình thương. Từ những chuyện bé xíu trong gia đình, những mảnh vụn ký ức hay biến động bất thường của đời sống, chị soi chiếu và như thể cùng kéo bạn đọc ngồi lại như bạn quen lâu năm mà thủ thỉ, khơi ấm những điều thương.
* Với thể loại tản văn, năm 2018 là Yêu thương là tự do, giờ là Thương một tình thương, “thương” hiện tại hẳn có nhiều điểm khác với “thương” trước…
– Thương nào cũng… thương, bắt mình phân biệt làm gì (cười). Nếu nghĩ lại thì 6 năm trước thương “tâm tư” nhiều hơn với những người trẻ, những gia đình trẻ, bắt đầu học… thương, bắt đầu hành trình học làm cha mẹ, học cân bằng giữa việc thương người và thương thân… Nếu bạn gần dân biển, hẳn thường thấy những người đi trên triền cát ngược gió gánh cây đòn gánh. Một đầu gánh những đứa con đang lớn, đầu kia gánh những cha mẹ đang… nhỏ lại: “Đầu nào cũng nặng trĩu âu lo… Chưa kể chính mình cũng đang đi ngược gió với vô số những vấn đề của cá nhân, gia đình, công việc, xã hội…”. Thương kỳ này cũng ít nhiều ưu tư về những vấn đề nhân sinh, tôn giáo: Nỗi sợ, sự yếu đuối, tuổi già, bệnh tật, lãng quên…
* Trong sách, dù viết về gì thì gia đình vẫn là cái lõi?
– Quả vậy, sách được Phan books xếp vào Tủ sách Gia đình chắc cũng vì lẽ đó. Và thực lòng thì người viết sách, cô ấy cũng chỉ bơi trong đại dương bé nhỏ của mình. Nếu ai đó định tìm những gì lớn lao thì e rằng cô ấy sẽ làm họ thất vọng vì mối bận tâm của cô ấy như từ trước đến giờ vốn chỉ dành cho những điều bé mọn, những điều chắn chắn bạn đã biết, đã thấy và đang đối diện mỗi ngày.
Nhà thơ, nhà báo Trần Lê Sơn Ý (bên phải) với vai trò Ban giám khảo tại cuộc trao giải cuộc thi viết “Về nhà” (do Chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn và trang vanvn.vn tổ chức). Ảnh: NVCC |
* Dường như chị có cả một kho khổng lồ ký ức tuổi thơ và hình dáng quê nhà?
– Con trai tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc: Ước gì con được quay về tuổi thơ của mẹ. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao, cậu trả lời: Con thích trèo cây, leo tường, ăn cơm độn… thích chơi với cào cào châu chấu, đi học mỗi ngày bằng một con đường khác nhau và đặc biệt là không bao giờ đi học về thẳng nhà ngay mà lúc nào cũng “ghé Đông ghé Tây”, la cà thỏa thích…
Tuổi thơ tôi chắc đủ chất liệu để… viết cả cuốn sách ấy. Có lẽ tôi nhớ những ngày mưa bão được nghỉ học, cả đám rủ nhau đi xem nước lụt tràn qua đường quốc lộ… Tôi nhớ đường đi học qua những cánh đồng, những bàu nước mênh mông, lục bình tím cả một đoạn sông dài. Hồi đó nhìn cái gì cũng rộng lớn mênh mông, mà bây giờ thỉnh thoảng đi ngang tôi vẫn ngạc nhiên, ủa sao bây giờ dòng sông nhỏ quá!
Hôm vừa rồi về quê tôi được “đãi” một cơn mưa. Mưa xuân miền Bình Định nó kỳ lắm, vừa ấm vừa lạnh, vừa nhẹ vừa bay kiểu vừa đủ làm người ta tơ tưởng thì thôi vậy (cười).
* Ở tản văn Những mùa mai, những mùa nay, chị viết “thay lời một người đàn ông trầm lặng tôi quen” nhưng có cảm giác như đang viết về người thân ruột rà của mình vậy…
– Do công việc ba má tôi thường xuyên vắng nhà, anh chị em tôi ít có thời gian bên cha mẹ. Bù lại thì chị em chúng tôi thương yêu nhau, nhận được rất nhiều yêu thương từ ông bà nội ngoại cậu dì cô chú, thậm chí hàng xóm. Chắc thương mấy đứa nhỏ lủi thủi. Không hiểu sao tôi hay nhớ về một người chú (con riêng của bà nội sau của tôi), năm nào đó mưa bão lũ, ba má tôi không có nhà, chú mặc áo mưa lội nước cõng từng đứa sơ tán ra nhà nội. Chú cũng là một trong rất nhiều những người đàn ông miền Trung thầm lặng mà tôi quen biết, nhiều khi cả ngày không nghe họ nói câu nào. Nhưng khi bạn cần, họ xuất hiện và bạn không cần nói câu nào. Ba tôi cũng là một người vô cùng đặc biệt. Ông viết chữ rất đẹp, học giỏi và là người thầy đầu tiên của tôi (cả về văn chương lẫn đời sống). Ông là người đầu tiên dạy tôi cách kho cá, giặt đồ (giặt tay) và cả làm thơ, đọc sách…
Thương một tình thương là tập tản văn thứ 2 của Trần Lê Sơn Ý. Ảnh: NGÔ PHONG |
* Trong thế giới tiện lợi với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, dường như con người càng dễ “mất kết nối” với nhau, càng dễ bị thương tổn…
– … Cho nên gắn kết, chữa lành luôn là điều mà chúng ta mong mỏi! Điều dễ nhìn ra nhất thường là do ta không dành thời gian cho nhau đủ nhiều. Mỗi người một ốc đảo. Nói nhiều nhưng nghe ít, hiểu ít và cả thương ít. Ngay cả mối quan hệ khắng khít như mẹ con, đôi khi ta vẫn thấy hình ảnh một người mẹ vừa cho con bú vừa ôm điện thoại chẳng hạn. Có phải chúng ta đang nhìn ra ngoài nhiều quá. Chúng ta đang… nhanh quá. Ta phản ứng ngay lập tức với mọi sự kiện, thông tin xảy đến mà không kịp cho mình một “khoảng nghỉ giữa hiệp”. Ta không ưu tiên cho nhau, tôi nghĩ đó là điều đang làm ta tổn thương.
Tôi hay tự chất vấn, lần gần nhất mình ngắm con hay người thương mình ngủ là bao giờ? Lần gần nhất mình cho phép mình ngồi yên không lăng xăng là bao giờ? Lần tập trung nhất của mình là lần nào, làm gì, dài bao nhiêu? Hôm nọ, trong một cuộc nói chuyện về truyền thông cùng TS Nguyễn Tường Bách, anh có nói về 3 thứ có thể giúp tạm gọi là chữa lành: Thiên nhiên, nghệ thuật, thể thao… Tôi nghĩ ba yếu tố này có nhiều điểm chung: Cho ta niềm vui, sự tập trung, tĩnh lặng… Tất nhiên, mọi bài học đều có giá trị tham khảo, bạn vẫn phải dành thời gian cho mình đủ để có câu trả lời!
* Có những tản văn của chị có câu chuyện, có “cốt truyện”, chị có nghĩ mình sẽ trải nghiệm với thể loại truyện ngắn không?
– Tôi có viết truyện ngắn, không nhiều nhưng cũng là một kiểu để mình có thể tò mò xem mình có thể làm được gì. Một tập truyện ngắn cũng thú vị, nhưng chắc phải dành thời gian nhiều, để lại một ấn tượng gì đó trong lòng người đọc luôn là điều không dễ dàng…
* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Nhà thơ, nhà báo Trần Lê Sơn Ý (SN 1977, quê ở TX An Nhơn), hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Chị từng in các tác phẩm: Cơn ngạt thở tình cờ (thơ, 2007); Yêu thương là tự do (tản văn, 2018); Sao con hỏi mà con kiến không trả lời (ghi chép, 2018).
NGÔ PHONG (Thực hiện)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=300979