Tàu cá nằm bờ… vì “vướng” quy định kích thước
Ngư dân Tô Văn Duy, ở phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, thuyền phó tàu cá BĐ-99045-TS cho biết, nguồn lợi ngư trường khai thác của Việt Nam ngày càng cạn kiệt, trong khi quy định chỉ bán cá có kích thước từ 50cm (tương đương trọng lượng 2kg) trở lên, gây khó khăn cho ngư dân.
“Nếu khai thác cá đúng tiêu chuẩn phải thay thế toàn bộ lưới mới, đầu tư hơn cả tỷ đồng. Song, điều quan trọng bây giờ là không có nhiều cá ngừ đạt chuẩn như quy định để khai thác. Chẳng lẽ bây giờ kéo mẻ lưới lên, cá không đủ chiều dài 50cm lại đổ xuống biển. Ngư dân đang rất khó khăn”, ngư dân Duy nói.
Trong khi đó, với gần 30 năm gắn bó nghề biển, ngư dân Trần Nhị (56 tuổi, ở phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn), thuyền trưởng tàu cá BĐ-98405-TS, bất ngờ với quy định có phần không thực tế với ngư dân trực tiếp khai thác thủy sản trên biển.
“Cá ngừ kích cỡ đạt từ 50cm trở lên giờ rất hiếm, trong khi chi phí cho một chuyến biển tốn kém khoảng 300 triệu đồng, chưa kể tiền lương cho thuyền viên.
Chuyến biển kéo dài hơn một tháng, nếu gặp may có thể bắt được 20-30 tấn, nhưng cá đạt chuẩn để bán chỉ 2-3 tạ. Với giá cá ngừ 10.000-11.000 đồng/kg như hiện nay, ngư dân sao dám vươn khơi, bám biển”, ông Nhị cho hay.
Ngư dân Trần Nhị mong muốn ngành chức năng sớm kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy định cho phù hợp.
Tại Cảng cá Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), hàng chục tàu cá hành nghề khai thác cá ngừ vằn (cá ngừ sọc dưa, cá dưa gang) xếp hàng neo đậu ở cảng. Trong khi đó, theo ngư dân địa phương, từ tháng 7 đến tháng 11 là thời gian cao điểm khai thác cá ngừ vằn.
Kiến nghị xem xét lại quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, toàn tỉnh này có 6.242 tàu cá được đăng ký với hơn 40.000 lao động tham gia khai thác thủy sản, trong đó nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ có khoảng 650 tàu cá với hơn 7.500 lao động.
Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh này hàng năm đạt trên 270.000 tấn, trong đó sản lượng cá ngừ các loại đạt trên 55.000 tấn (cá ngừ đại dương khoảng 12.000 tấn/năm).
Trong đó, tổng sản lượng cá ngừ vằn khai thác hàng năm, loại có chiều dài từ 50cm trở lên chỉ chiếm khoảng 10-15%, còn lại chủ yếu có chiều dài 30-40cm.
Qua thống kê, có rất nhiều tàu cá khai thác ngừ chưa vươn khơi, điều này đồng nghĩa với nhiều lao động không có việc làm, không có thu nhập, nếu tình trạng này kéo dài.
Ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, thừa nhận với quy định cá ngừ vằn có chiều dài tối thiểu 50cm mới được phép khai thác nên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã dừng thu mua cá ngừ vằn, có chiều dài dưới 50cm.
Vì vậy, nhiều tàu cá hành nghề lưới vây cá ngừ phải nằm bờ vì sợ lỗ, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của bà con ngư dân. Nhiều ngư dân đã có kiến nghị nhà nước xem xét về quy định này.
Theo ông Phúc, để bảo tồn, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác thủy sản, đơn vị này đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét lại quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác sống trong vùng nước tự nhiên theo quy định của Chính phủ.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 37 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26 năm 2019, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Nghị định 37 có nhiều nội dung, trong đó quy định mới về “kích thước tối thiểu cá ngừ vằn được khai thác”, thu hút sự quan tâm của nhiều ngư dân hành nghề lưới rê, lưới vây.
Theo đó, Nghị định 37 quy định, con cá ngừ vằn phải có kích thước từ 500mm (50cm), ngư dân mới được đánh bắt.