Ngắn dần đều từ điểm nhìn bên trong
Ngắn dần đều (NXB Đà Nẵng và Book Hunter, 2024) là tập tiểu luận của nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, khai thác đa chiều khía cạnh văn học, từ nghệ thuật sáng tạo đến các vấn đề liên quan câu chuyện tiếp nhận, nghiên cứu, phê bình văn học… để đưa đến cái nhìn vừa bao quát vừa chi tiết, sáng rõ từng luận đề tiếp cận.
Sách Ngắn dần đều của nhà nghiên cứu Hoàng Đăng Khoa. Ảnh: DUY KHANG |
Hoàng Đăng Khoa không chỉ là người đọc, làm công tác phê bình, anh còn là một người viết. Sự nhạy cảm trong sáng tác và tính bao quát của người đọc tương hỗ để anh có những nhận định rành mạch, thuyết phục. Trong tiểu luận của anh, có sự sáng về ý, bay về chữ. Ở Ngắn dần đều, qua từng chương, người đọc sẽ cảm nhận được sự phong phú trong cách tiếp cận các vấn đề. Nhà phê bình đưa đến những đối thoại sắc sảo, sòng phẳng với luận cứ chắc chắn, hướng đến mở ra những góc nhìn mới. Trong đó, anh dành sự chú tâm cho người viết trẻ, thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình, cho dù ý kiến của anh có khi phản bác các bậc “trưởng thượng”: “Tôi thỉnh thoảng lại đọc đâu đó thấy các bậc trưởng thượng chê nhà văn trẻ là vừa nghèo vốn sống vừa lười làm văn. Nhưng đọc văn của những người thích chê ấy thì tôi chẳng thấy vốn sống cũng chẳng thấy văn đâu. Đọc truyện ngắn Bên dòng sông của Triều Dương chẳng hạn lại thấy văn đẹp, chắc đặc, và người viết thì mới 21 tuổi đầu nhưng cứ như đã sống cả mấy kiếp” (Người viết trẻ có đáng bị bắt bẻ).
Hoàng Đăng Khoa soi chiếu vào tác phẩm cụ thể, hệ thống hình ảnh, bóc tách các tầng nghĩa, đưa ra những điểm nhìn. Như khi khảo sát tập thơ Gốm lưu lạc của Vân Phi, một tác giả của Bình Định trong tiểu luận dày dặn nhất của anh – Nghệ thuật của điểm nhìn, anh viết: “Chủ thể thơ nhìn mọi thứ mọi sự bằng “điểm nhìn bên trong”, nên thấy bất kỳ ai, cái gì, ở đâu, khi nào cũng đều lưu lạc, bơ vơ, lang thang, độc hành, tha thủi, mồ côi, ly hương, trôi, nổi nênh, hoang vu, ngun ngút, biền biệt, vắng xa… Lưu lạc giữa thời gian đằng đẵng. Lưu lạc giữa không gian mênh mông. Lưu lạc giữa nhân sinh như chiêm mộng”. Và: “lưu lạc, như vậy, không phải là chuồi theo quán tính thơ muôn năm cũ, không phải là bị động, mà là cách người thơ chủ động vượt thoát khỏi khoảng trống chật chội, đào tẩu khỏi ngõ hẹp đời mình bằng cách nhổ neo/ cập bến mơ hồ, nơi ý nghĩ là sợi dây đứt xích. Có nghĩa, lưu lạc là không định nghĩa, là hoài nghi mọi sáng rõ, là lung lay mọi mặc định, là tháo đinh mọi đóng khung, là làm động cựa mọi tĩnh khép. Lưu lạc đồng nghĩa với tự do”.
Từ điểm nhìn bên trong của cộng cảm và năng lực bao quát, hệ thống, phân tích của một nhà nghiên cứu, tác giả đã khai thác nhiều luận đề thú vị, từ đó cung cấp thêm cho độc giả một kênh tham khảo hữu ích cho việc tiếp cận văn học đương đại cùng việc dạy và học văn trong nhà trường hiện nay.
DUY KHANG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=289939