Mùa xuân đi xem hát bội
Tại nhiều không gian lễ hội ở Bình Định, hát bội thường được mặc định trong phần hội; thật dễ hiểu bởi đây là một nét văn hóa đặc trưng gắn bó với nhiều sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây. Đó cũng là “chiếc cầu nối” để mạch nguồn nghệ thuật xa xưa tuôn chảy giữa thời hiện đại, dù nhiều loại hình giải trí hiện đại đang lấn át sân khấu truyền thống.
1. Với nghệ thuật hát bội – một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc Việt, Bình Định ghi dấu son danh nhân văn hóa Đào Duy Từ – người được tôn xưng là tiền tổ nghệ thuật hát bội và danh nhân văn hóa Đào Tấn – người được vinh danh là hậu tổ của nghệ thuật hát bội.
Từ loại hình nghệ thuật cung đình, Đào Tấn đã đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với người dân. Từ xa xưa, niềm đam mê hát bội của công chúng ở Bình Ðịnh đã đi vào tục ngữ, phương ngữ, như: “Hát bội làm tội người ta/Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con”, sức quyến rũ của hát bội diễn tả sự nôn nóng, thúc giục làm việc mau lẹ để còn đi xem hát bội; dù cha mẹ có trách mắng thế nào, người con gái vẫn khẩn thiết van xin mẹ cho đi xem hát bội: “Má ơi đừng đánh con đau/Để con hát bội làm đào má coi”…
Dù sự hâm mộ hát bội bây giờ không còn “nghe giục trống chầu đâm đầu mà chạy” như xưa, nhưng trong các dịp lễ hội tổ chức ở Bình Định không thể thiếu phần biểu diễn hát bội. Đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống được người dân đất Võ gìn giữ và phát huy, góp phần làm cho sân khấu nghệ thuật hát bội mãi sáng đèn. Công chúng vẫn còn yêu hát bội, thì đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân hát bội có đất diễn, tiếp nối niềm vui cùng chung tay giữ “vốn quý” của cha ông.
Hóa trang cho từng vai diễn. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Mặc dù tiết trời khá lạnh, nhưng không khí trong những đêm hát bội dịp Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý vừa mới diễn ra ở làng chài xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) vẫn “nóng” với tiếng trống chầu giục giã, mời gọi. Cụ Lê Thị Dành (77 tuổi, ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý), chia sẻ: “Đâu phải lúc nào cũng có hát bội tại quê mình, nên tôi phải tranh thủ đi xem. Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh – NV) với lực lượng diễn viên trẻ diễn rất hay, tôi xem 4 đêm không bỏ sót đêm nào”.
Nhiều du khách cũng tỏ ra thích thú khi đến du lịch ở đất Võ và được dịp xem hát bội. Chị Trần Thị Thủy, đến từ Đồng Nai, nói: “Lần đầu tiên tôi đến Bình Định và chọn điểm dừng chân trong chuyến du lịch tại làng chài Nhơn Lý, đúng lúc ở đây có lễ hội cầu ngư và biểu diễn hát bội. Dù xem chưa hiểu lắm, nhưng tôi bị cuốn hút với cách hóa trang, phục trang, động tác của diễn viên trên sân khấu”.
2. Ra quân sớm từ Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến nay, Đoàn tuồng Đào Tấn vẫn tất bật chạy “sô” lưu diễn khắp nơi trong tỉnh. NSƯT Đào Trung Nghĩa, Trưởng Đoàn tuồng Đào Tấn, cho biết: “Tính từ Tết Nguyên đán đến gần hết tháng Giêng, tại nhiều địa phương trong tỉnh, Đoàn đã diễn được 17 suất hát. Trong tháng 2 âm lịch tới, Đoàn sẽ diễn tại xã Phước Quang (huyện Tuy Phước), xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn). Tin vui hơn nữa là khi chúng tôi đang lưu diễn thì có thêm nhiều nơi khác liên hệ để Đoàn đến nhận hợp đồng”.
Các đoàn nghệ thuật hát bội không chuyên khác, như: Nhơn Hưng, Ngô Mây, Trần Quang Diệu, Phước An… cũng rất phấn khởi với lịch đều đặn diễn từ Tết đến nay. Trong quá trình diễn, các đoàn cũng nhận thêm hợp đồng.
Đoàn tuồng Đào Tấn biểu diễn tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Trong tháng Giêng, Đoàn nghệ thuật hát bội Trần Quang Diệu nhận tờ diễn 8 suất hát tại 3 điểm diễn ở huyện Phù Mỹ, TX An Nhơn và huyện Tuy Phước, nhưng bước sang tháng 2 – 3 âm lịch, Đoàn dày “sô” hơn. Nghệ nhân Phan Ngọc Bạn, Trưởng Đoàn nghệ thuật hát bội Trần Quang Diệu, chia sẻ: “Điều khiến chúng tôi vui là đa phần những điểm diễn đều quen thuộc với Đoàn, nhưng bà con vẫn dành nhiều tình cảm yêu mến và mời chúng tôi đến diễn. Chính sự mến mộ của khán giả đã gieo thêm động lực để những nghệ nhân tiếp tục “giữ lửa” nghệ thuật hát bội của quê hương”.
Những vở tuồng hát bội truyền thống như: Quan Công phò nhị tẩu, Huê dung lộ, Tam chiến Lã Bố, Giang tả cầu hôn, Tân dã đồn… lấy trong điển tích Tam quốc diễn nghĩa, thường được các đoàn nghệ thuật hát bội chọn biểu diễn trong suất hát lễ, còn có những vở tuồng khác, như: Đường chinh Tây, Ngũ hổ bình Nam, Tam hùng kiệt, Trảm Trịnh Ân, Tam hạ Nam Đường… dù đã rất quen thuộc, nhưng vẫn cuốn hút khán giả mộ hát bội khi xem các đoàn diễn, với những ngón diễn khác nhau của nghệ nhân, nghệ sĩ mỗi đoàn.
Nghệ sĩ Quốc Hòa, diễn viên Đoàn tuồng Đào Tấn, chia sẻ: “Thấy khán giả đến xem đông vui chúng tôi phấn chấn tinh thần hẳn lên. Vui hơn khi có nhiều du khách xem hát bội, trò chuyện với nghệ sĩ, hỏi về việc cột tiền vào dùi chầu quăng lên sân khấu, chúng tôi giải thích đó là khán giả thưởng cho nghệ sĩ khi thấy diễn hay. Những chi tiết như vậy cũng góp phần quảng bá thêm nét đẹp của nghệ thuật hát bội quê hương mình đến với khách phương xa”.
***
Mùa lưu diễn mới của sân khấu hát bội đã sôi động. Cứ thế nối tiếp từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch, khắp nơi trên quê hương Bình Định lại rộn rã sân khấu hát bội. Sự mộ điệu hát bội không chỉ của người dân Bình Định mà còn lan xa ra ngoài tỉnh. Khán giả vẫn còn mê hát bội thì những “bạn hát” Bình Định không ngừng nỗ lực để sân khấu truyền thống sáng đèn phục vụ công chúng…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=331692