Mở lối xuất khẩu cá điêu hồng nuôi trong hồ thủy lợi
Cá điêu hồng nuôi lồng tại các hồ thủy lợi ở Bình Ðịnh đang đứng trước cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản, mở ra triển vọng lớn cho kinh tế và đời sống người nuôi cá.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT), những năm gần đây, mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng ở hồ thủy lợi đã bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, phương pháp nuôi truyền thống chưa đạt hiệu quả cao.
Nghề nuôi cá điêu hồng trong hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) khá phát triển trong thời gian gần đây. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Nhằm cải thiện chất lượng cá, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện các mô hình trình diễn nuôi cá điêu hồng thương phẩm trong hồ thủy lợi. Năm 2024, Trung tâm triển khai 3 mô hình tại các hồ lớn, gồm: Hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, dung tích 226,3 triệu m³), hồ Núi Một (TX An Nhơn, dung tích 110 triệu m³) và hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát, dung tích 44,5 triệu m³).
Ông Huỳnh Việt Hùng cho biết, điểm nổi bật trong kỹ thuật nuôi cá điêu hồng tại các hồ thủy lợi lớn là môi trường nước sạch, không gian mặt nước rộng, kỹ thuật nuôi bài bản. Nhờ đó, cá điêu hồng nuôi ở đây có chất lượng cao, không bị mùi rong, thịt thơm ngon, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản.
Một trong các mô hình đã cho kết quả khả quan là mô hình tại hồ Hội Sơn, hộ tham gia là ông Hồ Văn Khương (xã Cát Sơn, huyện Phù Cát). Với quy mô 2 lồng nuôi thể tích 100 m3, sau 7 tháng, mô hình này đạt tỷ lệ cá sống 80%, tổng sản lượng 5,6 tấn, trọng lượng trung bình mỗi con là 700 g (vượt yêu cầu 500 g). Với giá bán dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mô hình của ông Khương lãi ròng trên 100 triệu đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lê, ở thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) cũng tham gia mô hình này với 2 lồng nuôi 100 m3 tại hồ Định Bình. Sau hơn 7 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 800 – 900 g/con và sắp thu hoạch. Hiện khu vực nuôi của ông có 22 lồng, cá nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh, thu nhập trung bình hằng năm trên 100 triệu đồng.
Ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng tại hồ Định Bình hiện thu hút 28 hộ tham gia, với khoảng 23.000 m3 diện tích lồng nuôi cá điêu hồng, thác lác và các loại cá khác. Sản lượng cung ứng ra thị trường hằng năm hơn 700 tấn cá các loại, chủ yếu là cá điêu hồng. Đây là vùng nước sạch, phù hợp với phát triển nuôi thủy sản nên chính quyền địa phương khuyến khích sản xuất. Các hộ tham gia mô hình trình diễn do Trung tâm Khuyến nông triển khai sẽ được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn…, đồng thời đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho hộ tham gia và cả những hộ có nguyện vọng tham gia.
Ông Huỳnh Việt Hùng nhìn nhận, các mô hình này không chỉ nâng cao sản lượng mà còn góp phần mở ra cơ hội đầu tư vào nuôi thủy sản theo hướng bền vững.
Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 40 hộ nuôi cá điêu hồng (khoảng 540 lồng nuôi/27.000 m3). Ngành Nông nghiệp tỉnh đang xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ cá điêu hồng nuôi lồng ở các hồ thủy lợi, trong đó ưu tiên vùng nuôi tại hồ Định Bình. Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định đã thu mua cá điêu hồng để chế biến thử nghiệm thành món sashimi và gửi sang Nhật Bản. Kết quả ban đầu cho thấy đối tác rất hài lòng, đánh giá cao chất lượng cá vì không có mùi rong và ăn sashimi rất ngon.
Ông Hồ Mai Anh, Trưởng phòng Tổng vụ – Kinh doanh, Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định, chia sẻ, công ty đang tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu cá điêu hồng Bình Định sang Nhật Bản. Tuy nhiên, đây là thị trường khó tính, trước đây từng nhập cá điêu hồng từ Đài Loan nhưng sau đó tạm ngưng vì cá có mùi rong. Để đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn khắt khe, công ty đang xây dựng lộ trình phát triển bền vững cho sản phẩm cá điêu hồng Bình Định. Hiện công ty đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để sớm đưa sản phẩm cá điêu hồng Bình Định vào các siêu thị lớn tại Nhật Bản, hy vọng góp phần tạo đầu ra ổn định và bền vững cho nghề nuôi cá điêu hồng trong tỉnh.
TRỌNG LỢI
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=286284