Mở lối cho dừa Hoài Nhơn vươn xa
Cuối năm 2024, UBND TX Hoài Nhơn ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát triển cây dừa giai đoạn 2025 – 2030. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao giá trị cây dừa, phát triển bền vững ngành nông nghiệp và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Báo Bình Định đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, về kế hoạch phát triển gắn với giá trị văn hóa và thương hiệu cây dừa Hoài Nhơn.
· Hoài Nhơn hiện nay là một trong những vùng có diện tích trồng dừa lớn nhất tỉnh, cùng với những sản phẩm nổi bật. Ông có thể chia sẻ thêm về quy mô và đặc điểm của các vùng trồng dừa tại địa phương?
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Hoài Nhơn hiện có tổng diện tích trồng dừa lên tới 2.850 ha, chiếm khoảng 30,4% diện tích trồng dừa toàn tỉnh. Các xã và phường như Hoài Hảo, Hoài Thanh Tây, Hoài Châu, Tam Quan Nam, Hoài Xuân đều có diện tích trồng dừa lớn. Đặc biệt, Hoài Nhơn là vùng đất màu mỡ nổi tiếng với dừa Tam Quan – giống dừa không chỉ được biết đến trong tỉnh mà còn vươn ra ngoài nước. Cây dừa ở đây phát triển mạnh mẽ, đa dạng và đặc trưng, trở thành nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân.
Cây dừa không chỉ gắn liền với đời sống nông thôn, còn là hình ảnh quen thuộc trong các khu dân cư. Dừa là cây trồng lâu năm, được trồng xen kẽ trong các vườn nhà, góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất này. Người dân nơi đây đã khéo léo tận dụng tất cả bộ phận của cây dừa để chế biến thành những sản phẩm thiết yếu như dầu dừa, kẹo dừa, bánh tráng dừa, bánh dừa nướng, nước giải khát, đồng thời sử dụng lá dừa làm mái lợp, chổi cọng dừa; vỏ dừa làm cước chỉ xơ dừa và mụn xơ dừa làm phân bón hữu cơ…
Đặc biệt, có 100 ha dừa tại Hoài Nhơn đã được chứng nhận hữu cơ và được HTX Nông nghiệp Ngọc An thu mua với giá ổn định, qua đó nâng cao giá trị cây dừa. Đồng thời, hồ sơ cấp chứng nhận hữu cơ cho 1.000 cây dừa lấy nước tại phường Hoài Xuân đang được hoàn thiện.
· Với sự phát triển mạnh mẽ của cây dừa, vừa qua thị xã đã có kế hoạch bảo tồn và phát triển cây dừa giai đoạn 2025 – 2030 nhằm nâng cao giá trị và bảo tồn các giống dừa đặc trưng trong tương lai…
Đúng vậy! Mục tiêu chính của kế hoạch bảo tồn và phát triển cây dừa Hoài Nhơn giai đoạn 2025 – 2030 không chỉ phát huy bản sắc văn hóa của cây dừa mà còn gắn với phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị các sản phẩm từ cây dừa. Thị xã đang triển khai nhiều giải pháp như cải tạo vườn tạp, thâm canh cây dừa, ứng dụng các mô hình sản xuất hữu cơ, VietGAP để đảm bảo chất lượng cây dừa và các sản phẩm chế biến. Chúng tôi cũng chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh an toàn, đặc biệt là đối với bọ cánh cứng, một trong những loài gây hại chủ yếu đối với cây dừa.
Mô hình trình diễn quy trình canh tác dừa hữu cơ tại phường Hoài Thanh Tây (TX Hoài Nhơn). Ảnh: TRỌNG LỢI |
Một phần quan trọng trong kế hoạch này là phát triển các mô hình vườn dừa chế biến sản phẩm, đồng thời phát triển du lịch sinh thái gắn với cây dừa, nhằm gia tăng giá trị cây dừa không chỉ về mặt sản phẩm mà còn về mặt du lịch và văn hóa. Đến năm 2030, thị xã đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng dừa lên 3.050 ha, trong đó có 2.537 ha dừa ta và 513 ha dừa lấy nước, đồng thời bảo tồn các vườn dừa đặc trưng gắn liền với phát triển du lịch.
· Ông có thể chia sẻ thêm về những giá trị văn hóa truyền thống và tầm quan trọng của cây dừa đối với đời sống người dân địa phương?
Cây dừa từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong văn hóa Hoài Nhơn. Câu ca dao “Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan” là minh chứng cho sự quan trọng của cây dừa trong đời sống người dân nơi đây. Không chỉ là cây trồng mang lại thu nhập, cây dừa còn cung cấp nguyên liệu cho các ngành nghề thủ công truyền thống.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dầu dừa không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn là một trong những nhu yếu phẩm quan trọng cho bộ đội trong các căn cứ cách mạng. Cây dừa vì vậy đã trở thành một sản phẩm nông nghiệp và là phần không thể thiếu trong sinh hoạt, kinh tế và văn hóa của người dân Hoài Nhơn.
· Giống dừa lùn Tam Quan lấy nước hiện nay đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của tỉnh. Liệu cây dừa Hoài Nhơn có tiềm năng để trở thành thương hiệu nông sản không chỉ trong nước mà còn vươn ra ngoài nước?
Giống dừa lùn Tam Quan là giống dừa lấy nước đã được nhiều chuyên gia đánh giá cao về chất lượng. Đặc biệt, vào tháng 10.2023, tôi có dịp tiếp đón các chuyên gia quốc tế và họ khẳng định giống dừa lùn Tam Quan là giống dừa lấy nước ngon nhất Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để chúng tôi phát triển thương hiệu cây dừa Hoài Nhơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới. Cây dừa ở Hoài Nhơn có nhiều lợi thế về chất lượng, sản phẩm chế biến từ dừa cũng rất đa dạng và phong phú. Thị xã đang nỗ lực xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm từ dừa, phát triển các sản phẩm OCOP, đồng thời tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Cây dừa Hoài Nhơn vừa mang tính biểu tượng văn hóa, vừa là cây trồng chủ lực ở địa phương. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Ngày 19.8.2024, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là cơ hội quan trọng để dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, giúp giá dừa uống nước ổn định và tăng cao, mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân, đồng thời khuyến khích mở rộng diện tích trồng dừa. Nghị định thư này cũng là điều kiện để phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ giữa DN và nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh của dừa Bình Định trên thị trường quốc tế, mở ra cơ hội cho dừa Hoài Nhơn và cây dừa Bình Định vươn ra thế giới.
· Ngoài các giải pháp về sản xuất, du lịch sinh thái cũng được xem là một hướng đi quan trọng trong kế hoạch bảo tồn và phát triển cây dừa. Thị xã có dự định gì trong việc phát triển du lịch gắn liền với cây dừa?
Du lịch sinh thái gắn với cây dừa là một trong những chiến lược quan trọng để nâng cao giá trị cây dừa và phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi đang xây dựng các điểm tham quan du lịch, nơi du khách có thể trải nghiệm quy trình sản xuất dừa, thưởng thức các sản phẩm chế biến từ dừa và tìm hiểu về văn hóa cây dừa. Đồng thời, tuyến giao thông kết nối cao tốc đến đường ven biển (ĐT 639) đi qua Hoài Thanh Tây, Tam Quan Nam đã hoàn thành, là cơ hội để quy hoạch kết nối các điểm du lịch và các vườn dừa, tạo ra một trục đường trung tâm phục vụ phát triển du lịch. Các mô hình du lịch sinh thái này không chỉ giúp nâng cao giá trị cây dừa mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
· Xin cảm ơn ông!
UBND thị xã đang định hướng phát triển cây dừa gắn với chuỗi giá trị. Bước đầu, thị xã đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ tại HTX Nông nghiệp Ngọc An, kết nối với các hộ dân trồng dừa để sản xuất dầu dừa tinh khiết và bánh tráng nước dừa, nâng cao giá trị kinh tế cây dừa. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã có nhiều cơ sở chế biến các sản phẩm từ dừa, như sản xuất bánh dừa nướng, dừa sấy giòn, dầu dừa tinh khiết, chổi cọng dừa, cước chỉ xơ dừa, mụn dừa, bánh tráng nước dừa…
TRỌNG LỢI (Thực hiện)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=300807