Lên đỉnh Bô Chinh, vãn cảnh chùa Ông Núi
Đã thành lệ, ngày 24 – 25 tháng Giêng hằng năm là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Viên Minh – trụ trì của Linh Phong thiền tự (chùa Ông Núi, thuộc địa phận khu phố Phương Phi, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát) lúc sơ khai và cũng là một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lịch sử Phật giáo Bình Định. Những ngày này khách thập phương lại nô nức kéo nhau về chùa vãn cảnh, hành hương. Sau hàng trăm năm ngày giỗ đã thành ngày hội lớn.
Huyền diệu chốn thiền môn
Chùa Ông Núi tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung – đỉnh cao nhất của dãy núi Bà (tên chữ là Bô Chinh đại sơn) có vẻ đẹp thanh cao, huyền diệu chốn thiền môn. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép, chùa Linh Phong xưa có tên là chùa Dũng Tuyền, do thầy chùa Lê Ban (dân gian quen gọi là ông Núi) dựng vào đời vua Hiển Tông. Đời vua Túc Tông sắc phong: Tịnh Giác Thiện Trì đại lão thiền sư, lại cho tấm biển đề là Linh Phong thiền tự và đôi câu đối: Hải ngạn khởi lương nhân, vũ lộ phổ thiên tư Phật thổ/Linh phong ngưng thụy khí, tường vân biến địa ấm nhân gian (dịch nghĩa: Bờ biển gặp duyên may, mưa móc đầy trời thấm nhuần đất Phật/Núi linh ngưng khí tốt, mây lành khắp nẻo che mát cõi người).
Chùa Ông Núi mang vẻ đẹp thanh cao, huyền diệu chốn thiền môn. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Trong Linh Phong tự ký, Đào Tấn viết: Trong loạn lạc thời Tây Sơn chùa bị đổ nát, ông Núi qua đời, tăng chúng các chùa hợp lại lo việc mai táng ông, tháp xây bên hữu chùa. Tại tháp có câu liễn: Quyện thạch tiệm thành sơn, thảng thảng u trinh Thường Lạc thổ/ Chúng lưu nan vi thủy, man man vô tế Động Đình tiên” (nghĩa là: Đá cuội gom thành non, u nhã phẳng phiu đất Thường Lạc/ Dòng nhiều khó nên nước, hư vô man mác trời Động Đình). Bên phải viết 4 chữ Thái Đức bát niên (tức năm thứ 8 niên hiệu Thái Đức Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn (1785). Từ đây có thể biết Thiền sư Lê Ban tức ông Núi viên tịch thời Tây Sơn.
Đào Tấn cũng ghi chép lại thời gian ông ẩn danh tại chùa Ông Núi, sau này được phục chức và xin triều đình cấp tiền để trùng tu chùa, như sau: “Giữa niên hiệu Kiến Phúc – Hàm Nghi, Tấn tôi bỏ quan về nhà ở phía Nam kinh đô, gửi thân nơi cửa thiền để tránh loạn lạc… Năm Ất Mùi niên hiệu Thành Thái (1895), Tấn tôi giữ chức Thượng thư Bộ Công, đem chuyện chùa Linh Phong tâu lên Tây cung để cầu xin ân chỉ. Tây cung lệnh xuất kho 70 lượng bạc sai Tỉnh thần quyên thêm người trong tỉnh gộp chung với số bạc được ban mà đốc suất việc trùng tu chùa. Đến năm Đinh Dậu, niên hiệu Thành Thái thứ 9 (1897) thì hoàn tất”.
Ẩn mình trên dãy núi Bà, chùa Ông Núi ghi bao dấu ấn lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là căn cứ vững chắc của cách mạng ở Khu Đông. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, chùa Ông Núi được tái thiết nhiều lần, trở thành chốn hành hương thu hút đông đảo khách thập phương trong và ngoài tỉnh, nhất là vào dịp Lễ giỗ Hòa thượng Thích Viên Minh (năm nay nhằm ngày 21 – 22.2) có hàng nghìn khách thập phương đến viếng chùa, cúng dường chư Phật.
Tháng Giêng đi lễ chùa
Từ Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến rằm tháng Giêng có hàng nghìn lượt khách hành hương về chùa Ông Núi. Bà Nguyễn Thị Hải, ở phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), vui vẻ cho biết, 3 năm trước tôi từng đến chùa Ông Núi, lần này trở lại viếng chùa dịp rằm tháng Giêng, thấy phong cảnh đổi thay nhiều, cảnh trí đẹp hơn. Rất đông người viếng chùa, nhưng ai cũng giữ trật tự, vui vẻ cười chào nhau cùng hướng tâm cầu nguyện mọi điều tốt lành.
Viếng chùa, dâng hương thành tâm bái Phật cầu nguyện năm mới mọi điều tốt đẹp. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Lần đầu tiên cùng gia đình đến viếng chùa Ông Núi, chị Trần Thị Loan, du khách đến từ TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, tâm tình: “Tôi tìm hiểu về chùa Ông Núi trên mạng đã thấy hình ảnh rất đẹp, nhưng khi đi đến đây vãn cảnh thật sự ngỡ ngàng và ấn tượng không chỉ với phong cảnh mà còn vì cách đón tiếp của bà con nơi đây. Tôi cùng gia đình đến chùa tham quan, dâng hương cúng Phật cầu nguyện mong một năm mới bình an, gặp nhiều may mắn”.
Phần đông khách thập phương đi lễ chùa Ông Núi rất ấn tượng với các dịch vụ buôn bán, giữ xe… của người dân địa phương, mọi thứ diễn ra trật tự, quy củ.
Anh Phạm Đức Kiên, người chạy xe ôm chở khách tại chùa Ông Núi, cho biết: “Đội xe ôm tự quản chuyên chở du khách lên/xuống chùa có 18 thành viên đăng ký dưới sự quản lý của CA thị trấn Cát Tiến. Chúng tôi chia theo thứ tự lịch trình để đưa đón khách, không có tình trạng tranh giành, chèo kéo. Giá chở khách cũng theo quy định của thị trấn đưa ra.
Nhà chùa cũng đang chuẩn bị các khâu để đảm bảo lễ giỗ sắp diễn ra được trang nghiêm, ấn tượng. Đại đức Thích Quảng Nghiêm, Trụ trì chùa Ông Núi, chia sẻ: “Năm ngoái nhà chùa xây mới 2 khu nhà bếp để nấu ăn và năm nay tiếp tục cải tạo, nâng cấp thêm để phục vụ lễ giỗ. Số lượng gạo, các loại rau củ quả cũng được tăng thêm để nấu hàng nghìn suất cơm chay phục vụ khách thập phương về chùa hành hương, thụ lộc. Công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp, văn minh cũng được chuẩn bị tươm tất”.
Ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Cát, cho biết: Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và thị trấn Cát Tiến triển khai giải pháp vệ sinh môi trường, ATGT, ANTT, PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm; các dịch vụ niêm yết và bán đúng giá công khai. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn xin tại khu vực chùa…
***
Chùa Ông Núi với phong cảnh hữu tình chốn thâm sơn cùng cốc, bên dưới là làng mạc trù phú, đồng lúa xanh mướt trải dài. Nhìn về phía Đông là biển xanh, đầm Thị Nại non xanh nước biếc, TP Quy Nhơn thấp thoáng khi ẩn khi hiện trong làn sương mây, cảnh sắc hòa quyện níu chân du khách. Để rồi mọi người hẹn nhau nô nức ngược đỉnh Bô Chinh đại sơn, đi hội chùa Ông Núi vào ngày 24 – 25 tháng Giêng sắp tới…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=331329