LỄ HỘI MAI VÀNG AN NHƠN LẦN THỨ II – NĂM 2025:
Tôn vinh nét đẹp, nghệ thuật mai cảnh
Trong 3 ngày (6 – 8.2), Lễ hội mai vàng An Nhơn lần thứ II – năm 2025 đã diễn ra các hoạt động VH-TT đa dạng, thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương.
Tại khu vực trưng bày mai vàng, hơn 200 tác phẩm mai vàng các loại gồm: Mai dáng thế cỡ lớn, mai dáng thế truyền thống, mai mini và mai bonsai của hơn 60 nghệ nhân, nhà vườn trong và ngoài thị xã tham gia.
Trong đó, cây mai của nghệ nhân Nguyễn Văn Bình (huyện Phù Cát) đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân bởi dáng mai độc đáo. Ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Tôi chăm sóc cây mai này rất công phu từ năm 1991 đến nay, được tạo dáng như chiếc nón ngựa Phú Gia – một nét văn hóa lâu đời của quê hương Phù Cát. Khi đưa cây mai đến đây trưng bày, bà con đã dành lời khen và ủng hộ, tôi cảm thấy rất vui vì đứa con tinh thần của mình được bà con biết đến nhiều hơn và tán thưởng.
Ông Nguyễn Đắc Sỹ (phường Bình Định, TX An Nhơn) cho hay: Là người gắn bó với nghề buôn bán cây cảnh lâu năm, tôi đến lễ hội lần này trước là để thưởng lãm, sau là để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân. Những tác phẩm mai được trưng bày năm nay rất độc đáo, thể hiện sự sáng tạo và công phu trong chăm sóc, tạo dáng của những nghệ nhân. Theo tôi biết, đã có một số giao dịch mua bán thành công. Điều đó không chỉ mang lại niềm vui cho họ mà còn góp phần thúc đẩy thị trường mai cảnh ngày càng phát triển.
Không chỉ trưng bày tác phẩm mai vàng độc đáo của An Nhơn, Lễ hội lần này còn chứng kiến sự góp mặt của tác phẩm mai vàng đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Ông Đặng Trung Hiếu, Phó trưởng Phòng VH-TT thị xã, cho biết: Riêng tại khu vực trưng bày, một số tác phẩm đã giao dịch thành công với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Cây mai của nghệ nhân Nguyễn Văn Bình được tạo dáng theo ý tưởng chiếc nón ngựa Phú Gia, thu hút sự chú ý của nhiều người. Ảnh: K.VY |
Ngoài hoạt động trưng bày mai vàng, Hội thi tay nghề tạo dáng mai nghệ thuật cũng quy tụ 17 nghệ nhân đến từ 15 xã, phường trên địa bàn thị xã tranh tài và thể hiện sự độc đáo trong kỹ thuật tạo dáng mai. Ở khu vực trưng bày sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP có 20 gian hàng, trong đó 15 gian hàng của 15 xã, phường tham gia. Đây là cơ hội để các cơ sở kinh doanh giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với đông đảo công chúng. Qua đó, không chỉ khẳng định thương hiệu trên thị trường mà còn tạo điều kiện để các đơn vị giao lưu, học hỏi, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng niềm tin ở người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Bên cạnh đó, các hoạt động VH-TT như: Hội đánh cờ người, hội thi chim cảnh, hội đánh bài chòi dân gian và lễ hội đường phố cũng thu hút đông đảo người đến cổ vũ, hưởng ứng, tạo không khí sinh động, nhiều sắc màu cho lễ hội.
HLV Trần Thanh Thông, phụ trách chuyên môn võ đường Lê Xuân Cảnh (TX An Nhơn), cho biết: Hội đánh cờ người là hoạt động thường niên mà võ đường tham gia mỗi dịp xuân về. Vì vậy, các võ sinh luôn được rèn luyện và chuẩn bị kỹ càng trước khi biểu diễn chính thức; tập các đòn thế trong bàn cờ, nắm vững nước đi của từng quân cờ, cách di chuyển và phối hợp với hai kỳ thủ. Đặc biệt, chỉ những võ sinh có nền tảng võ thuật vững vàng mới được tham gia vào đội hình biểu diễn cờ người.
Ông Mai Xuân Tiến – Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, cho biết: Việc giữ gìn, phát triển thương hiệu mai vàng An Nhơn và giới thiệu, quảng bá sản phẩm mai vàng gắn với phát triển du lịch cộng đồng làng nghề mai cảnh luôn được thị xã quan tâm thực hiện. Qua Lễ hội, các nghệ nhân, nhà vườn có thêm cơ hội giao lưu, kết nối, hợp tác và mở rộng thị trường; tiếp tục phát huy, nâng cao chất lượng sự kiện trong những năm tới, góp phần đưa thương hiệu mai vàng An Nhơn vươn xa hơn.
KIỀU VY
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=301074