Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: Kính ngưỡng bậc túc nho yêu nước
Vào ngày 27.10 âm lịch hằng năm (năm nay nhằm ngày 27.11), tại Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc (Di tích Huyện đường Bình Khê, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) tổ chức lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ giỗ nhằm bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ bậc túc nho yêu nước, thương dân.
Bậc túc nho yêu nước, thương dân
Mảnh đất Bình Định tự hào là nơi ghi lại dấu ấn về cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 – 1929) – thân sinh của Bác Hồ – làm tri huyện tại Huyện đường Bình Khê ở Đồng Phó (nay là xã Tây Giang, huyện Tây Sơn); nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đặt chân đến và lưu lại. Bình Định cũng là nơi diễn ra cuộc “chia tay lịch sử” cha – con đầy trăn trở vận nước, thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Khi đã trở thành Chủ tịch nước và tiếp đoàn cán bộ tỉnh Bình Định ra thăm, Bác vẫn nhớ và trân trọng những tình cảm của mảnh đất và con người Bình Định đã dành cho cha con Bác.
Tháng 5.1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế điều động vào tham gia Ban chấm thi Hương tại Trường thi Bình Định. Đến tháng 7.1909, cụ được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê. Quan Tri huyện Bình Khê Nguyễn Sinh Sắc luôn quan tâm bảo vệ dân nghèo, cương quyết xử phạt thói cường hào, áp bức. Trong một vụ án kiên quyết xử phạt tên điền chủ Tạ Đức Quang áp bức dân nghèo, coi thường pháp luật, cụ bị triều đình Huế bãi chức Tri huyện Bình Khê.
Tháng 10.1910, dù được triều đình phục chức, song cụ Nguyễn Sinh Sắc từ quan và đi vào các tỉnh phía Nam để truyền bá tư tưởng yêu nước, thương dân. Sau khi bôn ba khắp nơi, cụ Nguyễn Sinh Sắc về sinh sống tại làng Hòa An, Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) tiếp tục truyền bá chủ nghĩa yêu nước, dạy học và bốc thuốc chữa bệnh giúp đỡ dân nghèo. Cụ mất ngày 27.10 năm Kỷ Tỵ (tức ngày 27.11.1929) tại làng Hòa An, Cao Lãnh, hưởng thọ 67 tuổi.
Học sinh Trường THPT Võ Lai dọn dẹp vệ sinh Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại Di tích Huyện đường Bình Khê để chuẩn bị lễ giỗ. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Chuẩn bị lễ giỗ nghiêm cẩn
Việc tổ chức Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và lòng biết ơn của nhân dân đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc, đồng thời, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương.
Ông Ngô Luân, Chủ tịch UBND xã Tây Giang, cho biết: “Xã phối hợp với ngành Văn hóa huyện tập trung tuyên truyền ôn lại thân thế, sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; dọn dẹp vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan xung quanh Di tích Huyện đường Bình Khê, vận động nhân dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Xã cũng thông báo nhân dân địa phương đến dự lễ giỗ, người dân sống dọc QL 19 treo cờ Tổ quốc”.
Cùng các bạn trong lớp đến Di tích Huyện đường Bình Khê để tổng dọn vệ sinh, chuẩn bị cho lễ giỗ, em Lê Đỗ Anh Thư, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Võ Lai (xã Tây Giang), chia sẻ: “Chúng em thấy tự hào khi ở quê hương có Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại Di tích Huyện đường Bình Khê ghi dấu ấn cha con Bác Hồ ở Bình Định. Hằng năm, Nhà nước tổ chức lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc để tưởng nhớ tiền nhân yêu nước, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống cách mạng của dân tộc, nỗ lực học tập để mai sau góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp hơn”.
Lễ giỗ diễn ra mang tính cộng đồng thiết thực, nhằm giáo dục tinh thần ôn cố tri tân, uống nước nhớ nguồn. Cụ Trần Trung Hiệu (80 tuổi), ở thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, tâm tình: “Năm nào cũng vậy, đến ngày giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc là tôi cùng bà con địa phương đều nhớ và đến thắp hương để bày tỏ lòng kính ngưỡng đến bậc túc nho yêu nước, thương dân, cũng là người có công sinh thành, dưỡng dục nên Bác Hồ kính yêu của dân tộc”.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã hoàn tất trong các khâu trang trí trực quan, chuẩn bị vật phẩm dâng lễ, ban nghi lễ thực hiện việc cúng, mời đại biểu dự lễ…, đảm bảo nghiêm cẩn, chu đáo.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Năm nay, huyện được phân cấp quản lý Di tích Huyện đường Bình Khê và trực tiếp tổ chức lễ giỗ, nên đại biểu dự được mời rộng rãi hơn. Cùng với đại biểu lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, chúng tôi còn mời lãnh đạo các xã, thị trấn của huyện về dự. Huyện cũng đã xây dựng quy chế, thành lập Ban quản lý di tích huyện để quản lý, bảo vệ 2 di tích quốc gia là Vụ thảm sát Bình An (xã Tây Vinh) và Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc tại Di tích Huyện đường Bình Khê; giao các di tích được tỉnh phân cấp cho các xã quản lý và khai thác giá trị.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=287212