Lễ dâng hương kỷ niệm 39 năm ngày mất Nhà thơ Xuân Diệu
Ngày 18.12, tại Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu (thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa), UBND huyện Tuy Phước tổ chức lễ dâng hương nhân kỷ niệm 39 năm ngày mất của nhà thơ Xuân Diệu (18.12.1985 – 18.12.2024).
Các đồng chí lãnh đạo huyện Tuy Phước và gia đình của nhà thơ Xuân Diệu dâng hương bày tỏ lòng kính ngưỡng với nhà thơ Xuân Diệu. Ảnh: M.Miên |
Nhà thơ Xuân Diệu, tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2.2.1916 tại làng Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Ông là một nhà thơ nổi tiếng với những tác phẩm lãng mạn, trữ tình có giá trị nghệ thuật sâu sắc. Được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” và “ông hoàng của thơ tình”, Xuân Diệu là tấm gương sáng về lao động nghệ thuật và sáng tạo. Ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam gần 500 bài thơ tình và nhiều tác phẩm có giá trị, đồng thời được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Cuộc đời nhà thơ gắn liền với quê hương và đất nước, với khát vọng đóng góp sức lực và trí tuệ cho dân tộc. Xuân Diệu không chỉ được yêu mến vì tài năng thơ ca mà còn vì tấm lòng chân thành, say mê với cuộc sống và nghệ thuật.
Để tưởng nhớ và vinh danh sự nghiệp của ông, vào tháng 12.2020, UBND tỉnh đã quyết định xếp hạng Nhà lưu niệm Xuân Diệu là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đầu năm 2024, UBND huyện Tuy Phước đã khởi công xây dựng lại nhà lưu niệm Xuân Diệu trên nền nhà cũ, khánh thành vào ngày 15.12.2024, tạo điều kiện cho các thế hệ hôm nay và mai sau tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Xuân Diệu.
Hàng năm, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phước đều tổ chức lễ dâng hương để tri ân và tưởng nhớ đến bậc danh nhân của quê hương Bình Định.
Trước đó, tối 17.12, cũng tại Nhà lưu niệm Xuân Diệu, Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước tổ chức Chương trình thơ-nhạc “Xuân Diệu với quê hương” nhân kỷ niệm 39 năm ngày mất của “ông hoàng thơ tình”. Các nghệ sĩ, ca sĩ và học sinh trường THPT số 3 Tuy Phước đã thể hiện một số bài thơ nổi tiếng của Xuân Diệu và những ca khúc ngọt ngào, sâu lắng như Cha đàng ngoài mẹ đàng trong, Đêm ngủ ở Tuy Phước, Lời kỹ nữ, Không đề, Vội vàng, Mùa xuân chín, Đây mùa Thu tới, Dòng sông thương nhớ, Dòng sông ân tình, Làng ven sông, Gò Bồi phố nhỏ….
MỘC MIÊN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=288383