Kỳ vọng từ giống mì kháng bệnh khảm lá
Với năng suất củ tươi đạt trên 34 tấn/ha, hàm lượng tinh bột tối thiểu 25%, đặc biệt khả năng kháng bệnh khảm lá vượt trội, giống mì HN1 được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân thời gian tới.
Kháng bệnh tốt, hiệu quả cao
Được trồng xen với những cây mì bị nhiễm bệnh khảm lá héo úa tại xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, giống HN1 nổi bật với màu xanh đậm tươi tốt, thân cây cao vút, lá sum suê đều đặn. Để kiểm chứng năng suất, chúng tôi nhổ thử một số cây so sánh. Kết quả, những cây mì giống HN1 cho củ to, dài, da láng mịn, mỗi cây có từ 5 – 10 củ xếp đều đặn, khác biệt với các cây nhiễm bệnh chỉ có 3 – 4 củ nhỏ, ngắn. Đặc biệt, khi bẻ đôi củ mì giống HN1 thấy phần thịt trắng ngà, chắc mịn – dấu hiệu của hàm lượng tinh bột cao.
Giống mì HN1 là thành quả nghiên cứu của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ (ASISOV) phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương và chuyên gia đầu ngành. Đây là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh khảm lá, một mối đe dọa lớn đối với nông nghiệp cả nước.
Giống mì HN1 xanh tươi khi được trồng xen với những cây mì nhiễm bệnh khảm lá. Ảnh: H.G |
Theo Th.S Lê Đức Dũng, Phó Bộ môn Rau, Hoa và Cây cảnh thuộc ASISOV, năm 2022, đơn vị đã triển khai trồng thí điểm thương phẩm 4 giống mì nhập nội, 3 giống mì được lai cải tiến trong nước và một số giống đối chứng trên diện tích 10 ha. Kết quả đã xác định được giống HN1 có nhiều ưu điểm vượt trội như: Kháng bệnh khảm lá mì ở cấp 1 (điều này có nghĩa cây hầu như không bị ảnh hưởng bởi vi rút gây bệnh khảm lá, một loại bệnh khó trị ở cây mì, gây ảnh hưởng rất nặng cho năng suất); năng suất củ tươi đạt 34,4 tấn/ha (cao hơn năng suất trung bình của tỉnh năm 2022 là 27,3 tấn/ha); hàm lượng tinh bột đạt 25,1%, đáp ứng tốt yêu cầu chế biến.
Trên cơ sở đó, năm 2023, đơn vị đã tiến hành nhân nhanh giống mì HN1 bằng kỹ thuật nhân hom 2 mắt để tạo ra số lượng hom giống lớn, phục vụ cho việc trồng 10 ha mô hình mì thương phẩm HN1 trong năm 2024 tại 3 địa phương có diện tích mì lớn của tỉnh là xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) và xã Hoài Hảo (TX Hoài Nhơn).
“Giống mì HN1 có thể giúp người dân tăng lợi nhuận trên 10% so với sử dụng các giống mì cũ đang nhiễm bệnh khảm lá nặng. Đặc biệt, giống mới này vẫn phát triển khỏe mạnh ngay cả khi trồng xen với cây nhiễm bệnh. Đồng thời, HN1 còn có thể dùng làm thực phẩm tươi từ củ đến lá – một đặc tính hiếm có ở các giống mì cao sản”- Th.S Dũng nhấn mạnh.
“Chúng tôi đã dành nhiều thời gian từ tuyển chọn giống mới đến nghiên cứu các giải pháp nhân nhanh giống và minh chứng bằng mô hình sản xuất thương phẩm, nhằm tạo ra một giống mì mới không chỉ kháng bệnh mà còn phù hợp với điều kiện địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao”- TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV, chia sẻ.
Giống mì HN1 cho củ to, dài, da củ láng mịn. Ảnh: H.G |
Giải pháp phục hồi diện tích mì nhiễm bệnh
Bệnh khảm lá mì xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2017, bắt đầu từ tỉnh Tây Ninh và nhanh chóng lan ra hơn 20 tỉnh, thành. Tại Bình Định, cây mì đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, không chỉ phục vụ chế biến thực phẩm mà còn là nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩu. Từ năm 2020, bệnh khảm lá bắt đầu xuất hiện rải rác và ngày càng phức tạp. Trong niên vụ 2021, có 264/10.476 ha mì bị nhiễm bệnh, thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tấn mì tươi, tương đương 6,5 tỷ đồng.
Bệnh khảm lá mì do vi rút họ Geminiviridae gây ra, lây lan chủ yếu qua bọ phấn trắng và hom giống nhiễm bệnh. Nếu cây bị nhiễm vi rút sớm có thể làm giảm 60 – 90% năng suất. Từ năm 2018, Việt Nam đã nhập và phát triển được 6 giống kháng bệnh từ Colombia và châu Phi, trong đó 3 giống HN1, HN3, HN5 được nhân rộng tại một số địa phương, tuy nhiên tốc độ nhân giống còn khá chậm so với nhu cầu thực tế.
Theo Th.S Nguyễn Công Bằng, Trưởng Phòng Quản lý Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT), giống HN1 thể hiện ưu thế vượt trội với thân thẳng, mắt dày, nhờ đó số lượng hom thu được nhiều hơn, đáp ứng tốt nhu cầu nhân giống nhanh của tỉnh.
“Thành công của nghiên cứu không chỉ góp phần giải quyết bài toán về bệnh khảm lá, mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành mì của Bình Định. Chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đẩy nhanh nhân giống mì kháng bệnh trên diện rộng” – TS Khuê chia sẻ.
Là một trong những nông dân đầu tiên được tiếp cận giống HN1, bà Trần Thị Nhàn, ở xã Bình Tân, kỳ vọng: “Vụ trước, vườn mì nhà tôi thiệt hại nặng vì bệnh khảm lá, nay nhìn những luống mì giống mới này xanh tốt, tôi rất mừng. Nông dân chúng tôi rất kỳ vọng vào giống mì kháng bệnh mới này, mong được hỗ trợ giống và kỹ thuật để sớm đưa vào sản xuất trên diện rộng”.
HƯƠNG GIANG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=286359