Khắc họa tình yêu đất nước
Lê Công Phượng (SN 1983, quê ở Hưng Yên) nhưng bén duyên với Bình Định hơn 10 năm nay với công việc tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Bằng niềm yêu thích với kịch bản sân khấu, 4 năm gần đây anh chuyên chú sáng tác. Đầu tháng 12.2024, anh bất ngờ ra mắt bạn đọc tập kịch bản tuồng đầu tay – Giữ nước (NXB Hội Nhà văn, 2024).
Tác phẩm gồm 5 kịch bản: Giữ nước, Phượng Hoàng Trung Đô, Ngàn năm vang vọng, Hiền nhân, Hiền thần. Khai thác từ những nhân vật lịch sử, Lê Công Phượng bày xếp các tuyến nhân vật, cài cắm các chi tiết để thiện – ác, người ngay – kẻ gian, anh hùng – tiểu nhân với những màn đấu tranh cam go, kịch tích diễn ra, từ đó chuyển tải những thông điệp của mình. Ở đó, ta gặp những nhân vật lịch sử như Dương Đình Nghệ, Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm… mỗi người mỗi nét, mỗi thời đại, nhưng đều là bậc tài trí, luôn nghĩ cho nhân quần, cho vận mệnh dân tộc với lòng yêu nước sâu sắc.
Kịch bản tuồng Giữ nước của tác giả Lê Công Phượng. Ảnh: NGÔ PHONG |
Như ở kịch bản Giữ nước, tác phẩm dựa theo tích của nhà nước Nam Việt (một nhà nước có ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư) để ca ngợi người anh hùng Lữ Gia, một tấm gương nhân nghĩa hết lòng vì nước vì dân. Trước âm mưu hòng thực hiện xâm lược Nam Việt mà không tốn một hòn tên mũi đạn của Cù Thị (Thái hậu người gốc Hán) và tên sứ giả nhà Hán – An Quốc Thiếu Quý, thừa tướng Lữ Gia đã mưu trí, quyết liệt trong việc diệt nội phản, chống mưu sâu của giặc để gìn giữ non sông.
Hay kịch bản Hiền nhân, tác giả Lê Công Phượng xây dựng nhân vật Ngô Thì Nhậm. Không đi theo hướng diễn tả về cuộc đời của nhân vật lịch sử này với những trầm luân dâu bể qua các triều đại từ Lê – Trịnh đến Tây Sơn rồi nhà Nguyễn, kịch bản chỉ đi sâu vào lột tả hồn cốt của bậc sĩ phu Bắc Hà tài ba ấy trong một khúc đoạn ngắn của cuộc đời (khoảng 2 năm, từ 1788 đến 1789, tính từ khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giao cho ông trọng trách cùng với Đại Tư mã Ngô Văn Sở và một số tướng lãnh nhà Tây Sơn trấn giữ Bắc Hà đến lúc thực thi quyết sách rút quân về Tam Điệp). Sau này, với biến cố xảy đến từ những mưu sâu, kế hiểm, ông lại lấy tâm thế của một thiền sư mà ứng xử, khắc đậm một cốt cách hiền nhân: “Nương chuông vàng nhờ phúc/ Cậy bóng Phật chứng tâm…/ Xá chi thân xác hồng trần/ Rũ bỏ ta về với Phật”.
Hầu hết kịch bản của Lê Công Phượng đều đã được các nhà hát dàn dựng và đạt nhiều giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Với lực lượng viết kịch bản sân khấu khá mỏng hiện nay trên cả nước, tập kịch Giữ nước rất đáng ghi nhận, thể hiện niềm say mê sáng tạo cùng niềm trân trọng của anh với các giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.
NGÔ PHONG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=289046