Năm 2025, ngành gỗ tỉnh đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu tăng 7%-10% so với năm 2024, đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Hiệp hội tiếp tục tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng, cấu trúc lại năng lực cốt lõi của doanh nghiệp theo phương châm “tự lực, tiết kiệm” từ cải tiến, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và chuyển đổi Xanh phù hợp năng lực, điều kiện của từng Hội viên, tập trung cho các nhóm hàng giá trị gia tăng cao. Đồng thời tích cực tham mưu xây dựng chính sách phát triển ngành; phối hợp triển khai thực hiện các dự án, tổ chức các hội thảo, diễn đàn thương mại gỗ với các tổ chức quốc tế;…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đạt được trong năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh xác định ngành gỗ là ngành chủ lực, có thế mạnh trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định đã có nhiều sáng tạo, vượt khó để phát triển sản xuất. Kết quả này cho thấy sự dẫn dắt và định hướng của Hiệp hội lâm sản Bình Định trong liên kết, hỗ trợ để các thành viên cùng phát triển.
Năm 2025 được xác định là năm “tăng tốc”, “bứt phá”, tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021 – 2025. Đồng thời, để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh, nhất là thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, đưa ngành gỗ Bình Định vượt qua những khó khăn, thách thức, trong đó cần tập trung tham mưu xây dựng chính sách phát triển ngành; nghiên cứu phân tích đánh giá tình hình thị trường để chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngành gỗ. Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác phát triển thị trường, tăng cường, nâng tầm liên kết hợp tác cùng nhau, chia sẻ thông tin với Hiệp hội bạn, các tổ chức trong nước và quốc tế; nắm bắt và cung cấp thông tin đa chiều, kịp thời giúp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xuất khẩu hiệu quả cho Hội viên. Tuyên truyền, vận động các DN thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Tiếp tục khuyến khích hội viên liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Với chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị ít nhất phải đạt 1,5 tỷ USD năm 2025. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh cần tiếp tục duy trì và thúc đầy các hoạt động an sinh xã hội, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân có trách nhiệm với cộng đồng, đồng thời giữ thương hiệu và hình ảnh để vươn mình trong nước và ra thế giới.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh cho hay, bắt đầu năm 2025, hằng tháng lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp toàn tỉnh để nắm bắt và có đề xuất giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và các chính sách hỗ trợ; đồng hành tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp vượt khó, để cùng chính quyền xây dựng địa phương giàu mạnh.
Tại Hội nghị, FPA Bình Định trao Quyết định kết nạp 10 doanh nghiệp hội viên mới
Nguồn: https://binhdinh.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong-cua-lanh-dao/hiep-hoi-go-va-lam-san-binh-dinh-trien-khai-nhiem-vu-nam-2025.html