Duyên với hát bội, bài chòi
Với tình yêu nghề, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Kiều, quê xã Cát Tài, hiện đang sinh sống ở xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) không chỉ gắn bó với nghệ thuật hát bội, bài chòi mà còn là người có duyên tìm được nhiều học trò trẻ tuổi để tiếp tình yêu theo nghề; dẫn dắt hoạt động của CLB Bài chòi dân gian xã Cát Trinh.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật hát bội, bài chòi, từ nhỏ Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Hoàng Kiều (SN 1963, tên thật là Phạm Thị Kiều) được cha là nghệ nhân Phạm Đình Chi, Trưởng đoàn nghệ thuật hát bội Tiến Thành (Đắk Lắk) và mẹ là nghệ nhân Trần Thị Hương truyền dạy hát bội, bài chòi. Chị gắn bó với sân khấu truyền thống từ năm 12 tuổi. Năm 18 tuổi, chị lập gia đình và theo chồng về sinh sống tại xã Cát Tài, rồi theo nghệ nhân Ngọc Mai học sâu hơn về bài chòi dân gian, kỹ thuật biểu diễn bài chòi lớp, bài chòi độc diễn và bài chòi kể chuyện để hóa thân đa dạng vai diễn trong những vở bài chòi dân gian, như: Tam hạ Nam Đường, Phạm Công – Cúc Hoa, Thoại Khanh – Châu Tuấn…
NNƯT Hoàng Kiều (bìa phải) và học trò Võ Thị Phương biểu diễn dự thi tại Liên hoan Sân khấu tuồng không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Với tình yêu sân khấu truyền thống, năm 2012 NNƯT Hoàng Kiều đứng ra thành lập Đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây và làm trưởng đoàn. Cũng thời điểm này, huyện Phù Cát thành lập CLB Bài chòi dân gian, NNƯT Hoàng Kiều được tin tưởng giao vai trò Chủ nhiệm. Chị còn là cộng tác viên đắc lực của Trung tâm VH-TT&TT huyện Phù Cát trong những chương trình biểu diễn văn nghệ; nhiệt tình tham gia các hội thi, hội diễn của huyện, tỉnh.
NNƯT Hoàng Kiều chia sẻ: “Đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây lưu diễn tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi biểu diễn hát bội, nhưng nơi nào bà con thích thưởng thức bài chòi dân gian thì chúng tôi cũng sẵn sàng phục vụ. Chúng tôi coi đó là một hạnh phúc bởi nó chứng tỏ sự mến mộ của khán giả với hát bội, bài chòi; đó là động lực tiếp thêm năng lượng giúp những nghệ nhân như tôi giữ nghề, lan tỏa giá trị tinh hoa di sản của tổ tiên mình để lại”.
Từ năm 2012 đến nay, NNƯT Hoàng Kiều nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh tại các kỳ Liên hoan Bài chòi dân gian, Liên hoan Tuồng không chuyên tỉnh Bình Định; Liên hoan Hát ru và hát dân ca tỉnh Bình Định. Năm 2018, chị đoạt HCV vai Đào Tam Xuân (trích đoạn Đào Tam Xuân loạn trào) tại Liên hoan Tuồng (hát bội) không chuyên toàn quốc. Năm 2022, chị được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NNƯT. |
NNƯT Hoàng Kiều còn được xem là người “mát tay”, khi tìm được nhiều học trò trẻ tuổi để tiếp tình yêu hát bội và theo nghề. Hai cô học trò thuộc “thế hệ 10X” là Nguyễn Thị Bé Phi (21 tuổi, ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và Võ Thị Phương (21 tuổi, ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) vì mến mộ phong cách biểu diễn của NNƯT Hoàng Kiều mà quyết tâm theo học hát bội.
Diễn viên Bé Phi kể lại: “Năm 2017, Đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây đến quê tôi biểu diễn, tôi bị lôi cuốn bởi lối diễn của cô Hoàng Kiều, rồi theo cô học nghề, gắn bó với sân khấu hát bội đến nay”. Còn nghệ nhân Võ Thị Phương cũng theo NNƯT Hoàng Kiều học hát bội vì nghe cô Kiều kể và thị phạm về hát bội trong những lúc giải lao tại các buổi tập văn nghệ của huyện.
Đầu năm 2023, xã Cát Trinh thành lập CLB Bài chòi và NNƯT Hoàng Kiều giữ vai trò Chủ nhiệm CLB. Tuy mới thành lập, nhưng CLB cũng có nhiều nghệ nhân hô hay, diễn giỏi để dẫn dắt nhiều thành viên khác. “Tôi cũng tính đến chuyện truyền dạy bài chòi kể chuyện, bài chòi lớp, bài chòi độc diễn cho các thành viên CLB nắm giữ, nếu không, những nét độc đáo riêng có này của Bình Định quê mình sẽ dần mất, vì hiện nay ngành văn hóa và các địa phương chỉ quan tâm bảo tồn hội đánh bài chòi dân gian”, NNƯT Hoàng Kiều tâm tình.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=285166