(BĐ) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 14.2, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận ở tổ Đề án bổ sung về phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Tham gia thảo luận Đề án bổ sung về phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng, qua nghiên cứu các nội dung, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, có cơ sở để thực hiện kịch bản tăng trưởng 8% trở lên và có quyết tâm để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng để đất nước phát triển ở mức cao hơn trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn đề nghị tiếp tục nghiên cứu để trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là các giải pháp quản lý phải hiệu quả để đạt mục tiêu đề ra.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng, có thể tin tưởng, có cơ sở để thực hiện kịch bản tăng trưởng 8% trở lên. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Trước hết, về nguồn vốn, muốn đầu tư cho tăng trưởng, đầu tư hạ tầng thì phải huy động nguồn vốn của xã hội và đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công. Các dự án trọng điểm dự kiến triển khai từ đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cơ bản là nguồn vốn đầu tư công và vốn vay. Trong thời gian ngắn mà thực hiện các dự án lớn thì chắc chắn nguồn vốn vay và tỷ lệ nguồn vốn vay sẽ tăng lên, cộng vào đó là tác động của tình hình kinh tế thế giới và có thể xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu, canh tranh xuất khẩu ngày càng gay gắt hơn; hiện nay giá vàng và tỷ giá hối đoái với đồng đô la đã tăng cao so với trước, chỉ số lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Do đó, ĐB Toàn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành phải nghiên cứu kịch bản điều hành, tránh “gây sốc” cho xã hội. Khi chỉ số giá tiêu dùng tăng lên, lạm phát tăng thì nguồn lực đầu tư của xã hội vào nền kinh tế ít nhiều sẽ bị tác động cũng như đời sống xã hội, do vậy các bộ, ngành chuyên môn cần nghiên cứu kỹ các yếu tố này để giảm thiểu những tác động tới đời sống xã hội và sự phát triển nền kinh tế của đất nước.
Thứ hai, khi tập trung các nguồn lực đầu tư để thực hiện các công trình trọng điểm, trong khi nguồn lực của nhà nước, nguồn lực của xã hội còn có hạn, vì vậy cần phải cân đối hợp lý giữa tập trung nguồn lực đầu tư và nguồn lực để giải quyết những vấn đề xã hội đang cần quan tâm giải quyết, bởi vấn đề nào cũng cấp thiết.
Thứ ba, trong một số tờ trình thực hiện công trình trong điểm mà Chính phủ trình Quốc hội có một ý mà trong báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội cũng đề cập, đó là đề nghị cơ chế miễn trừ, ĐBQH rất chia sẻ vấn đề này. Bởi trong thời gian ngắn thực hiện các công trình trọng điểm, quy mô lớn, yêu cầu phức tạp, cần có cơ chế để những cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia trực tiếp yên tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt mục tiêu đề ra: Dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu phát triển của đất nước. Theo ĐB Toàn đây là một cơ chế chung, chúng ta thống nhất để xử lý khi có vấn đề xảy ra, còn đưa vào nghị quyết của Quốc hội thành một cơ chế miễn trừ thì không nên. Bởi khi công bố nghị quyết của Quốc hội, người dân sẽ thấy thực hiện chương trình trọng điểm của quốc gia lại có một điều kiện, nếu ban hành cơ chế xảy ra thất thoát, lợi ích nhóm thì những cán bộ ban hành cơ chế đó được miễn trừ trách nhiệm thì không thuyết phục. Quan điểm này hiện nay Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang có những quy định để tạo hành lang pháp lý, khơi dậy sức sáng tạo “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì lợi ích chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia các nhiệm vụ được giao nhưng đó chỉ là cơ chế để xử lý, đưa vào trở thành một chính sách sách đặc thù trong từng dự án mà trở thành nghị quyết để làm một công việc cụ thể thì phải cân nhắc. Do đó, ĐB Toàn thống nhất theo đề nghị của cơ quan thẩm tra của Quốc hội, đề nghị Chính phủ xin ý kiến cấp có thẩm quyền để xử lý vấn đề này vừa tạo ra một cơ chế nhưng cũng đảm bảo tính thuyết phục khi triển khai thực hiện.
Cũng tham gia thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đề nghị, Chính phủ phải dự lường các yếu tố tác động để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Bên cạnh đó, ĐB Hạnh cũng đề nghị cần có sự đánh giá khó khăn trong khu vực tư nhân trong nước, nhất là các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực xuất khẩu để có những biện pháp thúc đẩy, kích cầu để các DN phát triển.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đề nghị, Chính phủ phải dự lường các yếu tố tác động để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Chính phủ có đề nghị 3 vấn đề: Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước đạt 8% trở lên; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,5 – 5% và trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi lên mức khoảng 4 – 4,5% GDP. Tuy nhiên, ĐB Hạnh cho rằng trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng bày tỏ quan ngại về việc cho phép điều chỉnh bội chi; trong Nghị quyết của Quốc hội không đề cập đến vấn đề này. Từ đó, ĐB Hạnh đề nghị ban soạn thảo trình bày rõ hơn về vấn đề này.
Để hoàn thiện nghị quyết, ĐB Hạnh cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, tinh gọn nội dung nghị quyết cho sát hơn với mục tiêu nghị quyết đề ra. “Đơn cử như trong tờ trình của Chính phủ, đã nêu rất nhiều nhiệm vụ giải pháp, trong đó có những nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, nhưng cũng có những nội dung mới, muốn thực hiện được thì cần hoàn thiện các bước, quy trình, quy định, liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của Quốc hội, cần Quốc hội có ý kiến. Vì vậy trong Nghị quyết Quốc hội cần làm rõ và có ý kiến cụ thể về những nội dung này”, ĐB Hạnh phân tích.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh) đề nghị cần có cơ chế, chính sách để đầu tư hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị mang lại hiệu quả. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Tham gia thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh) đề nghị cần có chính sách để tăng số lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị đi lại, các điểm kết nối phải thuận tiện, công nghệ phải đảm bảo để giảm chí phí đầu tư nhưng mang lại hiệu quả.
P.PHƯƠNG – H.PHÚC
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=63&mabb=331311