Đổi mới chăn nuôi, tăng giá trị kinh tế
Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước tiếp tục xây dựng mô hình nhóm nông dân cùng sở thích chăn nuôi bò thịt đủ điều kiện sử dụng “Nhãn hiệu chứng nhận bò thịt chất lượng cao Bình Định” tại xã Phước Thành. Mô hình thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12.2024, bước đầu đã mở ra cơ hội phát triển bền vững cho người dân.
Mô hình thu hút sự tham gia của 8 nông hộ, mỗi hộ nuôi 5 con bò giống Brahman và BBB. Các hộ được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua cám tổng hợp và máy băm cỏ cho bò, giúp giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Thêm vào đó, các hộ còn được đào tạo kỹ thuật về chọn giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh và quản lý dinh dưỡng cho vật nuôi.
Tạo nền tảng cho phát triển bền vững
Ông Nguyễn Văn Chánh -thôn Cảnh An 2, một trong những hộ tham gia mô hình, chia sẻ: “Bên cạnh chi phí được hỗ trợ, số tiền đối ứng tôi bỏ ra khoảng 11 triệu đồng. Nhờ được cập nhật nhiều kiến thức mới về việc cho bò ăn theo khẩu phần, tỷ lệ hợp lý, đàn bò của tôi tăng trọng nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và thời gian khoảng 6 tháng cho mỗi chu kỳ nuôi so với trước đây”.
Chỉ sau 8 tháng triển khai, mô hình đã mang lại những kết quả ấn tượng, bò của các hộ đều đạt được chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật đề ra. Trung bình mỗi con tăng trọng 841 g mỗi ngày, khi xuất bán, lợi nhuận bình quân 9,5 triệu đồng.
Ông Trịnh Hữu Lê, một hộ tham gia với số lượng đàn bò khá lớn, cho biết: Ban đầu tôi tham gia mô hình 5 con bò, đến nay sau 8 tháng, đàn bò của tôi đã tăng lên 27 con. Tôi áp dụng các kỹ thuật được học từ mô hình để chăm sóc bò. Nhờ vậy, tôi đã bán được 6 con bò, lãi 69 triệu đồng. Từ việc tham gia mô hình, tôi đã cập nhật, cải thiện kỹ thuật chăn nuôi, hiệu quả kinh tế cao hơn. Với tôi ấn tượng và hữu ích nhất là phương pháp cho bò ăn, uống nước; ghi chép nhật ký chăn nuôi.
Không chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, mô hình còn giúp tạo ra sự liên kết giữa người chăn nuôi và các DN tiêu thụ, chế biến sản phẩm.
Ông Lê Thành Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết: Phước Thành là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi bò phát triển mạnh, nhưng kiến thức của người chăn nuôi chưa đồng đều, phần nào đó còn ít được cập nhật; điều này dẫn đến chênh lệch giá bán bê, bò thịt khá cao. Mô hình giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế, tạo ra lượng hàng hóa lớn. Đây là năm thứ hai mô hình được triển khai tại xã Phước Thành, giúp địa phương chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại với quy mô hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Chánh giới thiệu bò tham gia mô hình của gia đình phát triển tốt, đảm bảo các chỉ tiêu phát triển. Ảnh: M.MIÊN |
Hướng tới mô hình khép kín và bền vững
Chăn nuôi bò ở Tuy Phước phát triển khá mạnh, đặc biệt tại các xã Phước Thành và Phước An với đàn bò trên 5.000 con, chiếm trên 33,3% tổng đàn bò toàn huyện. Trước khi xây dựng dự án tại xã Phước Thành, từ năm 2020, mô hình đã được triển khai tại xã Phước An. Sau 4 năm triển khai mô hình, người dân đã nhận thức được sự cần thiết của việc cải tiến kỹ thuật chăn nuôi, nhờ đó mô hình đã được nhân rộng ra các hộ trong khu vực.
Đến nay, huyện đã mở rộng vùng chăn nuôi tập trung bò thịt chất lượng cao ở 2 xã Phước An, Phước Thành với số lượng 300 con/46 hộ tham gia. Các hộ này được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng “Nhãn hiệu chứng nhận bò thịt chất lượng cao Bình Định”.
Ông Cao Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước, cho biết: Mô hình không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng bò thịt, mà còn hướng đến một phương pháp chăn nuôi tuần hoàn, tận dụng chất thải từ chăn nuôi để bón cỏ, giúp tái sử dụng các phế phẩm. Mục tiêu là xây dựng mô hình khép kín, giảm thiểu phế phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2025, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai mô hình và mở rộng thêm, kết hợp với các giải pháp bền vững trong chăn nuôi nhằm tạo ra những hạt nhân tiêu biểu trong cộng đồng, từ đó giúp phát triển một nền chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, bền vững và hiệu quả.
MỘC MIÊN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=289129