Ði tìm phù sa của tâm hồn
Phải chi mây trắng không ngang ngõ (NXB Hội Nhà văn) là tập thơ vừa ra mắt bạn đọc đầu năm 2025 của nhà thơ Nguyễn Đức Quận. Thơ anh mang cảm thức hoài niệm, đau đáu quê nhà, yêu thương và trân trọng bậc sinh thành cùng những cơ duyên gặp gỡ quanh mình.
Nguyễn Đức Quận sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng bén rễ ở Quy Nhơn – Bình Định hơn 40 năm qua. Với anh, hai vùng đất liền kề của dải đất miền Trung này đều sâu nặng ân tình. Anh hàm ân quê hương nên dành nhiều sáng tác cho hai vùng quê ấy. Bởi vậy, có lúc anh bộc bạch rằng: “Chốn quê cúng rước ông bà/ Tết sang lòng cũng xót xa nghĩ về/ Một đời làm kiếp hai quê/ Quê người, quê mẹ khó bề toàn chu” (Những đoản khúc).
Tập thơ Phải chi mây trắng không ngang ngõ của Nguyễn Đức Quận. Ảnh: NGÔ PHONG |
Hình ảnh con sông quê như mạch ngầm róc rách trong thơ anh, bồi tụ cho anh tình yêu xứ sở. Với Quảng Ngãi là dòng Trà Khúc, Vệ Giang cùng bổi hổi nhịp phù sa: “Một dòng sông miệt mài tuôn chảy/ Mang phù sa tưới tắm cánh đồng/ Đem lời ca ươm đời tươi trẻ/ Dòng sông em/ Trà Khúc mênh mông// Một dòng sông êm đềm xanh mượt/ Chảy về xuôi tắm mát tuổi thơ/ Đem lời ru gieo mầm ký ức/ Dòng sông anh/ Vệ Giang lững lờ” (Khúc hát hai sông). Với Bình Định là dòng Kôn, ghi dấu tình thơ hò hẹn: “Bến xưa một thời tắm mát/ Tình đầu tôi đã đánh rơi/ Con đò ngày xưa vẫn hát/ Cho tôi còn nợ một đời” (Dòng Kôn tắm mát).
Càng yêu quê, anh càng thương bóng dáng mẹ cha tảo tần khuya sớm, thương những người nông dân gắn đời mình với rạ rơm, tuy cuộc sống khó khăn nhưng chẳng bao giờ thiếu thốn những nghĩa cử cao đẹp, những ấm áp quan tâm thực thành. Có khi, người đọc như thắt lòng trước những dòng thơ của Nguyễn Đức Quận, giản dị mà chạm đến nỗi lòng những đứa con chẳng còn cha mẹ: “Con hứa ngày đi sớm trở về/ Để rồi tóc mẹ khói sương che/ Để rồi mây trắng sà ngang ngõ/ Gọi mẹ bay theo cánh diều quê// Dẫu biết trăm năm một cuộc người/ Làm sao đền đáp hết mẹ ơi/ Phải chi mây trắng không ngang ngõ/ Giờ vẫn ngồi bên tiếng mẹ cười” (Phải chi mây trắng không ngang ngõ).
Ở tập thơ này, tôi ấn tượng nhiều với thơ anh qua những câu lục bát mà xúc cảm và thi ảnh quyện hòa: “Cơn mưa đổ xuống làm nhòa/ Bài thơ viết vội của ta ướt rồi” (Tôi đi tìm hạ đánh rơi). Hay: “Ơ hay! Xuân đã ngang nhà/ Sáng nay thức dậy thấy là đà mưa/ Cúc, mai không biết về chưa?/ Hay còn chờ đợi để mua áo vàng” (Mộng hoa).
Với Nguyễn Đức Quận, những trạng huống đơn lẻ là lúc anh được “đối thoại” với mình, đó cũng là khi chất trữ tình trong tâm hồn được thăng hoa, kết tạo để trọn vẹn cùng thơ. Cũng từ đó, anh đã tự phác tạc chân dung mình, qua những nét vẽ của suy niệm sau mỗi lần ngồi lại, lắng nghe tiếng nói của tâm hồn: “Một ngày khi cuộc thảnh thơi/ Ngẫm nhìn xóa những nét đời rối rắm / Cho tâm tịnh kiếp trăm năm/ Mong tìm chút sáng đêm rằm tròn trăng (Ký họa cho ta).
Dùng thơ để tâm tình, soi mình, tìm nét đẹp trong những giản dị đời thường, có lúc thơ Nguyễn Đức Quận còn đôi chỗ chưa thật tròn ý hay thiếu những thể nghiệm về ngôn ngữ, nhưng ta có thể thấy cái tình, cái tứ trong thơ anh ngày càng chắc đầy hơn, tạo nhiều cộng cảm. Anh đã dần xác lập mình với thơ trong những ngẫm nghiệm đón nhận và ân cần với cái đẹp, với thơ – những giọt phù sa của tâm hồn…
NGÔ PHONG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=20&mabb=289187