Ðầu xuân trẩy hội Ngọc Hồi – Ðống Ða
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hàng nghìn người dân, du khách nô nức kéo nhau về Tây Sơn du xuân, trẩy hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Ðống Ða (1789 – 2025), diễn ra từ ngày 1 – 3.2 (mùng 4 – 6 Tết); thành kính dâng hương bày tỏ niềm tôn kính lên Tây Sơn Tam kiệt, cùng các văn thần, võ tướng triều Tây Sơn đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Bản hùng ca bất hủ
Vào cuối thế kỷ XVIII, đất nước ta đối mặt với nhiều biến động, muôn vàn khó khăn, thử thách. Mùa xuân năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của 3 thủ lĩnh phong trào nông dân Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các tầng lớp nhân dân, anh hùng hào kiệt, sĩ phu yêu nước. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng và giành được nhiều thắng lợi vang dội.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ Lễ dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2025). Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Năm 1788, Lê Chiêu Thống với tham vọng thấp hèn đã “rước voi về giày mả tổ”, tạo cơ hội cho 29 vạn quân Mãn Thanh (Trung Quốc) do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy sang xâm lược nước ta. Trước tình thế thù trong, giặc ngoài, ngày 25.11 năm Mậu Thân (1788) tại núi Bân (Huế), Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, đảm đương trọng trách cứu đất nước khỏi họa xâm lăng, đưa nhân dân thoát vòng binh lửa.
Đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tấn công và tiêu diệt giặc Thanh ở đồn tiền phương Gián Khẩu. Đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tiến về đánh chiếm Khương Thượng, mở đường từ Ngọc Hồi tiến thẳng vào Thăng Long. Chỉ trong 5 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, tướng giặc là Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy, quân giặc tan rã. Trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ dẫn quân vào kinh thành Thăng Long trong niềm hân hoan và tự hào vô bờ của toàn dân.
Sinh thời danh sĩ đất Bình Định Nguyễn Trọng Trì có bài thơ Kinh quá Tây Sơn di chỉ (Cảm xúc qua dấu vết Tây Sơn) để ca ngợi vương triều Tây Sơn: “Loạn thế anh hùng sản xuất đa/ Bắc Nam dược mã dự huy qua/ Thập niên huyết chiến thành hà sự/ Không thính ngư tiều túy tửu ca” (tác giả Thục Chương dịch thơ: Đất loạn anh hùng xuất hiện đông/ Bắc Nam giục ngựa, giáo gươm vung/ Mười năm máu đổ đâu thành bại/ Nghe tiếng ca say khắp núi rừng).
Hơn 2 thế kỷ đã trôi qua, trong lòng người dân Bình Định cũng như cả nước luôn kính ngưỡng các tướng lĩnh, quân dân tham gia phong trào Tây Sơn quật khởi, đánh tan giặc ngoại xâm, lập nên vương triều Tây Sơn thịnh trị một thuở. Đất Tây Sơn – Bình Định luôn tự hào là vùng đất Vua, đất Võ gắn với vương triều Tây Sơn, cùng danh tiếng lẫy lừng của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ; toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Bình Định phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nô nức trẩy hội
Những ngày đầu năm Ất Tỵ 2025, Bảo tàng Quang Trung cùng các di tích trên địa bàn huyện Tây Sơn, như: Đài Kính Thiên, Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt, Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng…, thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan. Đặc biệt, trong ngày mùng 4 – 5 Tết, lượng khách trẩy hội về Bảo tàng Quang Trung kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa nhiều hẳn lên.
Hàng nghìn người dân, du khách nô nức đến Bảo tàng Quang Trung trẩy hội Ngọc Hồi – Đống Đa. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Nhiều du khách từ phương xa lần đầu đến đây dự hội cũng dạt dào cảm xúc với niềm tự hào, hân hoan. Chị Nguyễn Thị Bích Liên, du khách đến từ TX Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), chia sẻ: “Dù Quảng Ngãi sát bên Bình Định, nhưng đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi có dịp đến Bảo tàng Quang Trung, hòa mình vào không khí sôi động của lễ hội. Vợ chồng tôi đến tham quan, dâng hương Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt, bày tỏ sự kính ngưỡng các bậc tiền nhân, đặc biệt là vua Quang Trung, để cầu mong đất nước phát triển, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, gia đình được bình an, vạn sự như ý trong năm mới”.
Từ ngày 29.1 – 2.2 (mùng 1 – 5 Tết Ất Tỵ), Bảo tàng Quang Trung và các di tích trên địa bàn huyện Tây Sơn do Bảo tàng Quang Trung quản lý (Đài Kính Thiên, Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng, Lăng Mai Xuân Thưởng) đón hơn 35.000 lượt khách đến tham quan. Đặc biệt, trong ngày mùng 1 Tết, Bảo tàng Quang Trung đón hơn 10.000 lượt khách; từ mùng 4 – 5 Tết đón hơn 15.000 lượt khách. |
Nhiều người Bình Định xa quê về đón Tết cũng đến Bảo tàng Quang Trung để dâng hương Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt, tri ân tiền nhân. Anh Võ Văn Thạch, ở xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, bộc bạch: “Tết năm nào tôi cũng về quê sum vầy, đón Tết với gia đình và đến tham quan Bảo tàng Quang Trung. Mỗi năm về quê thấy không khí Tết rất ấm cúng, quê hương phát triển, đổi thay khiến tôi rất vui. Mình là con dân của vùng “đất Võ, trời Văn” và cảm thấy tự hào về truyền thống quật cường, bách chiến, bách thắng của phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo tài tình của Hoàng đế Quang Trung”.
Dịp kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, từ mùng 4 – 6 Tết, tại Bảo tàng Quang Trung và các địa điểm khác trên địa bàn huyện Tây Sơn còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao để phục vụ du khách trẩy hội, như: Múa lân, sư, rồng; các trò chơi dân gian; Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định, biểu diễn hát bội, dân ca bài chòi; diễn tấu cồng chiêng; thi đấu đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh năm 2025…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=22&macmp=22&mabb=300691