Dấu xưa rong ruổi Gò Bồi
Không chỉ nổi bật với những bãi biển đẹp, Bình Ðịnh còn rất nhiều điểm đến hấp dẫn du khách với kiểu đi du lịch tiết kiệm. Chỉ một ngày ruổi rong ở Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) bạn sẽ có rất nhiều trải nghiệm thú vị. Cũng xin gợi ý trước cho bạn khi có ý định về đây, hãy để tâm đến những dấu xưa còn đậm đặc ở nơi này.
Cách trung tâm TP Quy Nhơn không xa, Gò Bồi – trung tâm của xã Phước Hòa là điểm đến thú vị để du khách tìm về trải nghiệm. Ca dao Bình Định xưa còn lưu truyền miêu tả: Gò Bồi trên bến dười thuyền/ Ghe bầu theo lạch đậu liên tiếp bờ, là một thị tứ sầm uất, đóng vai trò quan trọng trong vùng cảng thị Nước Mặn hàng trăm năm trước. Ngày nay, Gò Bồi cũng nhộn nhịp đông vui, song vẫn giữ được những nét đẹp bình yên của làng quê nông thôn.
Tháp Bình Lâm trầm mặc nằm giữa khu dân cư. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Đến với Gò Bồi, điểm đầu tiên nên ghé qua là tháp Bình Lâm (niên đại từ thế kỷ X – XI) và làng hoa Bình Lâm ở thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa). Tháp Bình Lâm là một trong những ngôi tháp Chăm được xây dựng sớm nhất ở Bình Định. Sở dĩ tháp có tên gọi Bình Lâm (nghĩa là chinh phục khu rừng rậm) vì xưa kia nơi này là vùng sình lầy, khi người dân đến khai phá vùng đất rừng rậm, hoang hóa thành những vùng đất sản xuất, họ đã đặt nơi đây là thôn Bình Lâm. Và cũng từ chữ Bình Lâm của thôn, người ta đặt tên cho ngôi tháp.
Gần bên tháp Bình Lâm là chùa Thiên Trúc. Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng cảnh trí yên bình, bước vào cổng chùa là thấy ngay những hiện vật điêu khắc đá Champa liên quan đến tháp Bình Lâm. Vãn cảnh chùa ta dễ dàng thấy lòng thư thái khi dường như khung cảnh miền quê yên ả êm đềm chan hòa tới sân chùa.
Cách chùa Thiên Trúc chỉ vài trăm mét là làng hoa Bình Lâm. Những ngày này, người làng hoa đang xuống giống cho vụ hoa tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Dạo quanh làng hoa, trò chuyện cùng bà con cũng sẽ thấy thú vị, khi hiểu thêm được cuộc sống người dân, nét đẹp văn hóa của nơi đây.
Cầu Gò Bồi lung linh trong đêm. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Chạy về hướng cầu Gò Bồi – hai đầu cầu với quang cảnh tấp nập, nhộn nhịp của phố thị, khác xa với vẻ yên ả của làng quê nằm bên trong. Từ đầu cầu bên này phía đường ĐT 640 rẽ trái chạy xe vào thôn Hữu Thành (xã Phước Hòa) gần đến cầu Trường Thế sẽ bắt gặp hình ảnh của chợ Trường Thế với nét kiến trúc xưa còn lưu lại, quanh chợ có những ngôi nhà cổ còn tới hôm nay.
Phía bên kia cầu Gò Bồi- hướng đường 636B dẫn từ Gò Bồi đi các xã Phước Quang, Phước Hưng (Tuy Phước) đến TX An Nhơn – những ngôi nhà mới mọc lên san sát nằm ven sông Gò Bồi, phía xa xa dòng sông Gò Bồi yên ả xuôi về nơi cuối nguồn đổ vào đầm Thị Nại; những cánh quạt gió khổng lồ lãng đãng mây mờ che phủ phía Khu kinh tế Nhơn Hội… tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình.
Nhà thờ Vĩnh Thạnh nằm ven sông Gò Bồi mang nét đẹp yên bình. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Trong bức tranh phong cảnh ấy, nhà thờ Vĩnh Thạnh nằm cách cầu Gò Bồi khoảng 200 m soi bóng xuống dòng sông mang nét đẹp yên bình; cách đó không xa là Nhà lưu niệm thi sĩ Xuân Diệu đang được xây dựng lại với nhiều hạng mục, sau khi hoàn thành sẽ góp thêm điểm đến phục vụ du khách khi về Gò Bồi – quê ngoại thi sĩ Xuân Diệu.
Đêm về ngồi bên bờ sông Gò Bồi ngắm sông, hóng gió, nhìn cầu Gò Bồi lấp lánh ánh điện trong đêm, thi vị biết bao…
ĐOAN NGỌC
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=22&macmp=22&mabb=285274