Đa dạng linh vật Rắn chào xuân mới
Hòa trong niềm hân hoan đón chào năm mới Ất Tỵ 2025, nhiều địa phương trong tỉnh xây dựng và trưng bày biểu tượng linh vật năm Ất Tỵ, nhằm tạo điểm nhấn, góp thêm sự phong phú trong chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân để phục vụ nhân dân, du khách.
Háo hức chờ xem linh vật của tỉnh
Cụm linh vật năm Ất Tỵ của tỉnh có chủ đề “Vườn hoa đất Võ”, do Sở VH&TT chủ trì xây dựng, trưng bày tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn). Cụm biểu tượng chính lấy hình tượng cụm tháp Dương Long – di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt – làm phông nền chủ đạo, với chiều cao 7,5 m. Trên phông nền đó là linh vật năm Ất Tỵ được lấy cảm hứng từ tạo hình rắn thần Naga 5 đầu có chiều cao 5 m được mô phỏng sinh động, mang nét đặc sắc của văn hóa Champa đặt ở trung tâm cụm tháp, kèm hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, phun hơi nước tạo khung cảnh huyền bí gây ấn tượng cho người xem. Cụm biểu tượng phụ (mặt sau – hướng ra phía biển) có chiều cao 4 m, tạo hình cách điệu hiện đại theo xu hướng chuyển đổi số và công nghệ của tương lai, phía sau cụm linh vật là tạo hình đôi bàn tay nắm chặt tượng trưng cho sự đoàn kết, quyết tâm của Bình Định bắt kịp xu thế của công nghệ 4.0.
Bên cạnh cụm biểu tượng chính, còn có các biểu tượng phụ thể hiện bản sắc văn hóa, tài nguyên du lịch, sản phẩm đặc trưng của Bình Định, khát vọng vươn xa của đất Võ…, đan xen vào đó là khu vườn hoa bố trí xếp đặt hơn 40.000 chậu hoa, lá, cây cảnh với hơn 30 chủng loại đa dạng về màu sắc sẽ tạo nên tác phẩm nghệ thuật ấn tượng và hoành tráng phục vụ nhân dân, du khách về với Quy Nhơn – Bình Định đón tết Ất Tỵ. Khu vực khuôn viên tượng tài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành cũng được trang trí các loại cây, hoa xuân tươi đẹp, kết hợp trưng bày 60 – 80 bức ảnh mừng xuân.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Hiện đơn vị thi công đang khẩn trương tạo hình linh vật đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Cụm linh vật năm Ất Tỵ sẽ khánh thành vào chiều 21.1 (tức 22 tháng Chạp năm Giáp Thìn) và trưng bày phục vụ công chúng đến ngày 9.2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Có lẽ mọi người đang rất háo hức được tận mắt chiêm ngưỡng cụm linh vật năm nay của tỉnh, nhưng chi tiết như thế nào chờ đến ngày khai trương sẽ được “bật mí”.
Thiết kế cụm chính linh vật của TX An Nhơn. Ảnh: Phòng VH-TT TX An Nhơn |
Khắp nơi làm linh vật rắn
Năm nay là lần thứ 5 huyện Hoài Ân xây dựng linh vật trưng bày vào dịp Tết mang sắc thái riêng, quảng bá nét đẹp của vùng đất trung du được mệnh danh “thủ phủ cây ăn trái” của Bình Định. Cụm linh vật chính năm Ất Tỵ của huyện Hoài Ân được tạo hình cặp rắn tài lộc cao 3,4 m; các cụm biểu tượng phụ thể hiện đặc sản ở địa phương, như: Hộp trà và gói trà Gò Loi; heo, gà Hoài Ân; cụm trái cây gồm dừa xiêm, bưởi, mãng cầu, mít, dưa hấu, ổi; biểu tượng tài lộc đón xuân, đồng tiền vàng, mai vàng, rắn hoạt hình nằm hai bên trái, phải của cổng chào…
Theo ông Ngô Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Ân, cụm linh vật năm Ất Tỵ 2025 của huyện được xây dựng tại Quảng trường 19.4 (thị trấn Tăng Bạt Hổ); khánh thành vào ngày 22 tháng Chạp năm Giáp Thìn, trưng bày phục vụ công chúng đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ.
Huyện An Lão xây dựng cụm linh vật năm Ất Tỵ với biểu tượng chính là con rắn vươn lên, hai cụm biểu tượng phụ “Tết bình an”, “Xuân hạnh phúc” được sắp đặt xen kẽ với cây, hoa, lá màu sắc rực rỡ thể hiện không khí tết đoàn viên, năm mới ngập tràn niềm hạnh phúc với hình ảnh tam đa (Phúc – Lộc – Thọ), bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, mai vàng, những ghè rượu cần của An Lão… sẽ được trưng bày từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ, tại Quảng trường 7.12 (trước Tượng đài Chiến thắng An Lão) thị trấn An Lão, huyện An Lão, để nhân dân, du khách du xuân, check – in.
Phối cảnh cụm chính linh vật của huyện An Lão. Ảnh: Trung tâm VH-TT&TT huyện An Lão |
Huyện Tuy Phước tạo hình linh vật với chủ đề “Tuy Phước đổi mới và phát triển”, với cụm linh vật chính gia đình nhà rắn được cách điệu, hiền hòa, vui vẻ hòa theo nhịp điệu của các loại nhạc cụ dân tộc. Ngoài ra, còn có những cụm biểu tượng phụ với thẻ bài chòi, mặt nạ hát bội, cụm tháp Bánh Ít, mô phỏng Cồn Chim, các loại đặc sản địa phương… thể hiện huyện Tuy Phước hướng tới bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa, danh thắng để phát triển du lịch văn hóa. Cụm linh vật của huyện Tuy Phước được trưng bày tại Quảng trường Xuân Diệu (thị trấn Tuy Phước), từ ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ.
Năm nay là lần thứ 2 TX An Nhơn tạo hình linh vật để đón xuân. Biểu tượng linh vật năm Ất Tỵ của TX An Nhơn gồm 3 cụm: Cụm chính có chủ đề “Mừng xuân Ất Tỵ năm 2025” được tạo hình cặp rắn ở hai bên với chiều cao 6 m, ở giữa là biểu trưng An Nhơn. Hai bên là cụm phụ có chủ đề “Hương sắc mùa xuân”, “TX An Nhơn mừng Đảng, mừng xuân” trưng bày những biểu tượng mang ước nguyện sung túc trong năm mới, quảng bá hình ảnh đất và người An Nhơn, sẽ “trình làng” từ ngày 22 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ, tại Quảng trường Trung tâm TX An Nhơn.
Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: “Việc xây dựng và trưng bày cụm linh vật năm Ất Tỵ của thị xã nhằm tạo khí thế phấn khởi để nhân dân, du khách đón Tết bảo đảm vui tươi, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và phong tục, tập quán của địa phương”.
Một số địa phương khác, như: TX Hoài Nhơn, các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ cũng tạo hình và trưng bày linh vật năm Ất Tỵ, nhằm góp phần đa dạng hoạt động mừng Ðảng, mừng Xuân; tạo điểm nhấn về du lịch, thu hút du khách về quê hương Bình Định trong dịp Tết.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=290072