Cuối tuần về thăm Nhơn Hậu
Cách TP Quy Nhơn khoảng 35 km, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) có nhiều di tích cổ xưa, làng nghề truyền thống lâu đời, là điểm đến thú vị cuối tuần.
Đi từ phường Đập Đá (TX An Nhơn) đến Nhơn Hậu, vừa đến đầu xã bạn sẽ thấy những mặt hàng đồ gốm bày bán hai bên đường, cùng âm thanh rộn rã của tiếng máy tiện, đục gỗ, giọng nói cười vui vẻ của người dân làng nghề vọng lại từ xa.
Với đôi bàn tay khéo léo, những người thợ làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu tạo ra sản phẩm tinh xảo. Ảnh: ĐOAN NGỌC |
Làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu hình thành tại 2 thôn Bắc Nhạn Tháp và Vân Sơn. Trước kia, thợ lành nghề từ những làng nghề tiện gỗ nổi tiếng ở các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh… về Nhơn Hậu truyền nghề. Họ bén rễ với mảnh đất này, rồi ở lại an cư lạc nghiệp đến nay. Sản phẩm làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường cả nước, từ đồ thờ cúng, bàn ghế, tranh khảm xà cừ, cho đến những đồ lưu niệm như bộ bình trà, bình rượu, khay trà, tượng gỗ…
Sản phẩm gốm Vân Sơn vẫn giữ được hồn cốt riêng. Ảnh: ĐOAN NGỌC |
Rời làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ, chúng ta đến tham quan làng nghề gốm đất nung Vân Sơn. Trải qua thăng trầm, làng nghề gốm Vân Sơn không còn thịnh như trước, nhưng vẫn còn nhiều người giữ nghề. Những sản phẩm gốm Vân Sơn, như chum, vại, ấm, bếp lò… không cầu kỳ, nhiều họa tiết như các dòng gốm khác, song vẫn giữ hồn cốt đơn sơ riêng có. Mấy năm gần đây, làng nghề gốm Vân Sơn cũng là điểm đến được nhiều trường học chọn đưa học sinh đến học môn giáo dục địa phương, du khách đến trải nghiệm nghề làm gốm.
Sau khi thăm thú hai làng nghề, du khách nên tham quan thành Đồ Bàn (thành Hoàng Đế) để hiểu hơn về vùng đất kinh xưa. Đây là di tích lịch sử gắn với ba thời kỳ lịch sử từ vương quốc Champa, đến nhà Tây Sơn rồi nhà Nguyễn – được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1982.
Khu Tử Cấm thành của thành Hoàng Đế. Ảnh: ĐOAN NGỌC |
Thành Hoàng Đế gắn liền với những trận chiến giữa quân đội Tây Sơn và nhà Nguyễn trong khoảng thời gian từ năm 1788 – 1802. Năm 1799, quân Nguyễn đánh chiếm được thành Quy Nhơn, đổi tên là thành Bình Định, giao Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu trấn giữ thành. Năm 1800, hai tướng nhà Tây Sơn là Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đại tư đồ Võ Văn Dũng đem quân vây đánh thành Bình Định. Quân nhà Nguyễn bị vây hãm trong thành, lương thực hết, không còn đủ sức để chống trả, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự sát; Võ Tánh viết thư cho Trần Quang Diệu xin tha tội cho tất cả tướng sĩ của mình rồi lên lầu Bát Giác tự thiêu. Sau khi Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chiếm lại thành, cảm động trước lòng can đảm của hai tướng nhà Nguyễn, nên đã cho an táng tử tế và tha hết quân Nguyễn. Đó cũng là tấm lòng nghĩa khí của những bậc dũng tướng xưa kia.
Tượng voi đá trong khuôn viên thành Hoàng Đế. Ảnh: ĐOAN NGỌC |
Trong khuôn viên thành Hoàng Đế hiện còn những hiện vật như tượng sư tử đá của Champa, đặc biệt có tượng cặp voi đá có niên đại thế kỷ XII đã được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2023. Trong Tử Cấm thành của thành Hoàng Đế còn hố khai quật hồ bán nguyệt bằng đá ong xây từ thời vua Thái Đức triều Tây Sơn; miếu Song Trung, mộ Võ Tánh, cổng thành xây từ thời vua Gia Long triều Nguyễn…
Ngọn tháp Cánh Tiên rêu phong cùng tuế nguyệt. Ảnh: ĐOAN NGỌC |
Đứng trong khuôn viên thành Hoàng Đế nhìn về phía xa là tháp Cánh Tiên rêu phong cùng tuế nguyệt – một ngọn tháp Champa được xây dựng vào thế kỷ XII, tên chữ là Tiên Dực, người Pháp gọi là tháp Đồng. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) mô tả tháp Cánh Tiên như sau: “Nam An cổ tháp ở thôn Nam An huyện Tường Vân trong thành Đồ Bàn, tục hô là tháp Cánh Tiên. Từ vai tháp trở lên, bốn phía ngó giống như cánh tiên bay lên nên gọi tên ấy”. Tháp nằm cách miếu Song Trung không xa, nên dân gian có câu: “Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương ông Hậu thủ thiền (thành) ba năm”.
Đến Nhơn Hậu, bạn còn có thể tham quan chùa Nhạn Sơn, chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia với hai bức tượng Hộ pháp có niên đại thế kỷ XII – XIII, mang nét đẹp nghệ thuật điêu khắc đá Champa; tham quan những vườn rau sạch để hòa mình trong không gian xanh ngát… Nếu có thời gian, bạn có thể ghé đến trải nghiệm những địa phương khác của An Nhơn nằm gần xã Nhơn Hậu, như: Nhơn Phúc, Nhơn Lộc… để cảm nhận về nét đẹp văn hóa, lịch sử rất riêng của vùng đất kinh xưa.
ĐOAN NGỌC
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=22&macmp=22&mabb=284566