Chuyện nghề hướng dẫn viên du lịch
Ðược coi là “đại sứ” quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, điểm đến ở Bình Ðịnh với du khách, vai trò của hướng dẫn viên du lịch ngày càng thêm quan trọng.
Trong mỗi tour du lịch, hướng dẫn viên (HDV) du lịch là “cầu nối” quan trọng tạo nên ấn tượng trong du khách về vùng đất và con người địa phương, thành công của chuyến đi phụ thuộc vào ấn tượng này rất nhiều. Do vậy, việc trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, quản lý lực lượng HDV được ngành Du lịch, cũng như các DN du lịch chú trọng.
Một hướng dẫn viên chụp ảnh cho du khách tại thắng cảnh Eo Gió. Ảnh: ĐOAN NGỌC |
Bà Hoàng Thị Thu Sen – Giám đốc chi nhánh Vietravel Quy Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, cho biết: HDV góp phần quan trọng kết nối giữa khách hàng và DN du lịch. Vì vậy, Vietravel rất chú trọng khâu đánh giá của khách hàng về HDV sau khi kết thúc mỗi tour du lịch trong nhiều tiêu chí, như: Kiểm soát được chương trình du lịch, khả năng tư vấn, nắm chắc thông tin liên quan đến điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận chuyển… Cứ 2 năm/lần, Vietravel sẽ đánh giá năng lực của HVD để xếp sao, nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.
Ngoài việc được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề theo quy định, có kiến thức chuyên sâu về thuyết minh, hướng dẫn du khách tham quan, HDV du lịch nào cũng phải tự mình làm giàu kiến thức bổ trợ, kỹ năng, tự đào tạo về nghiệp vụ lữ hành, lưu trú, văn hóa ẩm thực, môi trường, an ninh, an toàn trong du lịch… để có thể nhanh chóng xử lý các tình huống phát sinh của quá trình đi tour linh hoạt, nhẹ nhàng.
hướng dẫn viên ở Bình Định đưa du khách tham quan và chụp ảnh tại tháp Đôi. Ảnh: ĐOAN NGỌC |
Ông Phạm Hoàng Trực, Giám đốc Công ty Gotour travel, chia sẻ: “Các DN du lịch hiện đang rất cần đội ngũ HDV du lịch giàu kinh nghiệm, không chỉ hiểu biết về văn hóa, du lịch mà còn am hiểu về pháp luật. Chính họ là những “đại sứ” tạo hứng thú, ấn tượng cho du khách qua tương tác thực tế, cũng là người giúp DN du lịch thực hiện hợp đồng thành công đối với khách hàng”.
Anh Nguyễn Hải Thảo, một HDV du lịch tự do có hơn 11 năm làm nghề, tâm tình: “Đội ngũ HDV du lịch tự do ở Bình Định hiện cộng tác với nhiều DN du lịch. Khi làm nghề, HDV cần đặt hết tâm huyết của mình vào công việc, tạo uy tín cho DN cũng là tạo uy tín cho mình. Có thể số ít du khách không ấn tượng về điểm đến, nhưng sẽ cho “điểm cộng” với HDV khiến họ hài lòng. Do vậy, đòi hỏi người làm nghề nắm vững nhiều kiến thức để phục vụ khách suốt chuyến đi”.
hướng dẫn viên dẫn du khách tham quan bãi biển Kỳ Co. Ảnh: ĐOAN NGỌC |
Theo các DN lữ hành, kinh doanh du lịch, những năm gần đây ngành Du lịch Bình Định phát triển, đội ngũ HDV từng bước đáp ứng về nhân lực, chất lượng phục vụ du khách. Tuy vậy, đội ngũ HDV du lịch cũng cần được trau dồi, trang bị thêm nhiều kiến thức về pháp luật, sơ cứu y tế, thông tin tình hình phát triển KT-XH của tỉnh…
Từ năm 2022 – 2024, Sở Du lịch đã tổ chức 4 lớp cập nhật kiến thức dành cho HDV du lịch nội địa và HDV du lịch quốc tế. Tính đến nay, Sở Du lịch đã cấp 594 thẻ HDV còn thời hạn hoạt động; trong đó, có 71 thẻ HDV quốc tế và 523 thẻ HDV nội địa. |
Ông Phạm Hoàng Trực cho rằng: “Bình Định có đội ngũ HDV đi trước nhiệt tình, nhiều vốn sống và kỹ năng, sẵn lòng truyền kinh nghiệm lại lớp sau; họ luôn cởi mở, nhiệt tình, thân thiện, tạo ấn tượng tốt đối với du khách, đó là ưu điểm nên phát huy. Tuy nhiên, với các HDV mới ra trường cần được bổ túc thêm trải nghiệm thực tế để đánh giá năng lực, như vậy sẽ nâng cao hiệu quả nghề nghiệp”.
Còn theo bà Hoàng Thị Thu Sen, cơ chế đào tạo HDV du lịch hiện nay là khi ra trường, học thêm chứng chỉ nghiệp vụ 3 tháng là đã có thể làm nghề, điều này dễ dẫn đến tình trạng HDV chưa đủ chuyên nghiệp, vì vậy nên có thêm cơ chế thực tập cho HDV mới ra trường, siết chặt chất lượng đào tạo…
Bà Trần Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Du lịch), cho biết: “Việc cấp thẻ hành nghề HDV du lịch được thực hiện theo quy định, cấp trong thời hạn 5 năm; khi hết thời hạn HDV muốn đổi thẻ phải qua một lớp cập nhật kiến thức dành cho HDV theo chương trình đào tạo của Bộ VH-TT&DL. Sở Du lịch cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức HDV du lịch; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý quá trình hành nghề của HDV… Nhờ vậy, chất lượng HDV du lịch của tỉnh được cải thiện hơn trước, nâng cao nguồn nhân lực HDV du lịch của tỉnh từng bước chuyên nghiệp hơn.
ĐOAN NGỌC
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=22&macmp=22&mabb=284914