Năm 2015-2024, qua các đợt công nhận bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bình Định vinh dự có 13 bảo vật quốc gia là những tác phẩm điêu khắc đá Champa. Trong đó, 8 bảo vật đang trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, còn lại 5 bảo vật được lưu giữ ở các địa phương trong tỉnh.
13 bảo vật quốc gia đều là những hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, hình thức độc đáo. Các bảo vật có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu, nhận thức các vấn đề về văn hóa – lịch sử liên quan đến văn hóa Champa trên vùng đất Bình Định.
Đây không chỉ là tư liệu khoa học quan trọng đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo của dân tộc.
Trong không gian trưng bày văn hóa Champa tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, bức phù điêu nữ thần Mahishasuramardini là bảo vật quốc gia đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2015.
Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini làm bằng đá silic hạt mịn, màu xám vàng nhạt, niên đại đầu thế kỷ XII. Bức phù điêu này được phát hiện năm 1989, tại phế tích tháp Rừng Cấm, thuộc xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định. Đây là tác phẩm phù điêu đẹp, được thể hiện hoàn chỉnh về mặt bố cục, độc đáo nhất và lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa.
Với sự độc đáo về nội dung cùng những giá trị lớn lao về nghệ thuật, năm 2003, bức phù điêu đã được Bảo tàng Lịch sử nghệ thuật Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và lịch sử Brussels (Bỉ) lựa chọn đưa đi trưng bày với chủ đề “Việt Nam – quá khứ và hiện tại” để bạn bè quốc tế cùng thưởng lãm.
Phù điêu thần Brahma, chất liệu đá silic hạt mịn, màu đen nhạt, niên đại thế kỷ XII-XIII, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2016. Phù điêu thần Brahma được các chuyên gia phát hiện vào năm 1985, tại di tích tháp Dương Long, thuộc xã Bình Hòa và xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Trong nghệ thuật điêu khắc Champa, thần Brahma thường được tạc 3 đầu, 4 tay cầm vật thiêng biểu trưng và ngồi trên tòa sen hoặc ngỗng thần Hamsa. Tuy nhiên, phù điêu thần Brahma tháp Dương Long có 8 tay, trong đó 2 tay chính trong tư thế bắt ấn trước ngực, cổ đeo vòng trang sức, có họa tiết cánh sen cách điệu.
Đây là điểm khác biệt giữa phù điêu thần Brahma, tháp Dương Long với các phù điêu thần Brahma khác trong nghệ thuật điêu khắc Champa và được xem là nét độc đáo của phù điêu thần Brahma tháp Dương Long.
Cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn được phát hiện vào năm 2011, tại phế tích Tháp Mẫm, thuộc khu vực Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Chim thần Garuda diệt rắn làm bằng đá silic hạt mịn, màu xám nhạt, niên đại giữa thế kỷ XIII và được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017.
Trong thần thoại của Bà La Môn giáo, Garuda là loài chim thần được coi là vua của mọi loài chim. Garuda có kẻ thù truyền kiếp là rắn Naga, bởi lẽ mẹ của Garuda bị mẹ của rắn Naga giết chết nên hễ gặp rắn Naga là chim thần Garuda liền xé xác để trả thù. Sau này, Garuda được thần Visnu thu phục và trở thành vật cưỡi của thần.
Bảo vật quốc gia phù điêu nữ thần Sarasvati làm bằng đá silic hạt mịn, màu đen nhạt, niên đại thế kỷ XII, được người dân phát hiện tại lưng đồi khu vực tháp Phú Lốc, thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn năm 1988. Hiện nay, bức phù điêu này được trưng bày, giới thiệu trong không gian văn hóa Champa tại Bảo tàng Bình Định.
Tác phẩm điêu khắc là bộ phận trang trí vòm cửa kiến trúc (tym – pan), được tạc nguyên khối nổi trong không gian hình vòm cung nhọn. Nội dung thể hiện hình ảnh nữ thần Sarasvati – vị nữ thần bảo trợ về nghệ thuật và văn học, là vợ thần Brahma (thần Sáng tạo) – một trong ba vị thần tối cao của Bà La Môn giáo.
Hai tượng hộ pháp Dvarapala (còn gọi là tượng ông Đen, ông Đỏ) làm bằng đá silic hạt mịn, niên đại thế kỷ XII-XIII và được công nhận bảo vật quốc gia năm 2020. Hai tượng này được lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn.
Hai tượng thần hộ pháp có liên quan mật thiết với kiến trúc gò Tam Tháp đã đổ nát. Trong hệ thống tượng theo thần thoại Ấn Độ giáo, thần hộ pháp là vị môn thần có chức năng canh giữ cổng hoặc cửa trong kiến trúc tôn giáo. Tượng thần hộ pháp thường thể hiện theo cặp, đặt đối xứng ở hai bên cửa ra vào đền, tháp Champa (Ảnh: Bảo tàng Bình Định).
Tượng thần Siva chùa Linh Sơn, chất liệu đá silic hạt mịn, niên đại thế kỷ XV, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2018. Tượng được phát hiện trong lòng đất thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn. Nhân dân nơi đây đã lập một ngôi chùa để thờ thần, có tên là chùa Phật Lồi (còn gọi là chùa Linh Sơn). Năm 2011, chùa Linh Sơn dời về thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn.
Tượng thần Siva chùa Linh Sơn là một trong những tượng chân dung đặc sắc trong nghệ thuật Ấn Độ giáo của khu vực Đông Nam Á, cũng là tác phẩm đầu tiên của một loạt tượng thể hiện nội dung hình ảnh biểu tượng kết hợp thần – vua trong nghệ thuật điêu khắc Champa.
Phù điêu thần hộ pháp Mã Chùa, phát hiện năm 1992 tại phế tích kiến trúc Gò Mã Chùa thuộc thôn Đại Hòa, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định. Tượng được làm bằng chất liệu đá silic hạt mịn, màu xám nhạt, niên đại thế kỷ XII và được công nhận bảo vật quốc gia năm 2021.
Trong khi những tượng hộ pháp thường thể hiện dưới dạng tượng tròn, trong tư thế đứng thì tượng hộ pháp tại Gò Mã Chùa lại được thể hiện dưới dạng phù điêu nổi khối bán tròn chỉ tạc ba mặt, phía sau vẫn gắn liền với khối kiến trúc và thể hiện trong tư thế quỳ.
Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn (một đực, một cái) làm bằng đá silic hạt mịn, màu xám nhạt, niên đại nửa sau thế kỷ XII, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2023.
Cặp tượng voi đá đang được lưu giữ, giới thiệu trong không gian lịch sử, văn hóa Champa tại thành Đồ Bàn – kinh đô xưa của vương quốc Champa, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Voi là con vật quen thuộc, gần gũi với con người. Theo thần thoại Ấn Độ giáo, voi được xem là vật linh, vật cưỡi của thần Indra (Thần Sấm sét – Thần chiến tranh hay Thần hộ mệnh), một trong những vị thần chính được tôn sùng.
Hồi đầu năm nay, hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Hai tượng sư tử đá này đều giống đực, làm bằng đá silic hạt mịn, màu nâu xám nhạt, niên đại cuối thế kỷ XI.
Hai tượng này được phát hiện năm 1992 tại thôn Bả Canh, gần tháp Cánh Tiên trong khu vực thành Đồ Bàn, thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn).
Trong truyền thuyết của Hindu giáo, sư tử là một trong những kiếp hóa thân của thần Vishnu – một trong ba vị thần tối thượng của Ấn Độ giáo. Sư tử là vật linh có chiến công giết quỷ dữ Hiranyakashipu và sùng bái thần Brahma nên được thần Vishnu ban cho phép trường sinh. Hai tượng sư tử thường thể hiện theo cặp đối xứng đặt hai bên cửa ra vào đền, tháp Champa.
Ngày 21/11, tại Bảo tàng tỉnh Bình Định (thành phố Quy Nhơn), Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định từng là kinh đô phồn thịnh nhất vương quốc Champa (thế kỷ XI-XV), đến nay để lại rất nhiều di sản văn hóa vật thể vô giá, gồm nhiều đền tháp, thành quách, khu lò gốm ngàn năm, nghệ thuật điêu khắc, hiện vật, cổ vật…. Đặc biệt, 8 cụm tháp Champa với 14 khối tháp còn khá nguyên vẹn.
“Nghệ thuật điêu khắc Champa không chỉ là biểu tượng văn hóa, mà còn chứa đựng những yếu tố nghệ thuật, lịch sử, tín ngưỡng, triết lý, phản ánh bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của người Champa xưa”, ông Chánh nói.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/chiem-nguong-13-bao-vat-quoc-gia-doc-ban-quy-hiem-20241121224229347.htm