Cao điểm mưa, lũ sẽ diễn ra trong tháng 11 và đầu tháng 12
Năm 2024, thời tiết trở nên khó lường hơn do sự thay đổi từ El Nino sang La Nina, khiến nhiều loại hình thiên tai xảy ra với diễn biến phức tạp, khó dự báo. Bình Ðịnh đã trải qua nhiều đợt thời tiết khắc nghiệt, bao gồm nắng nóng kéo dài, mưa lớn và giông lốc. Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ðăng Hùng, Giám đốc Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh, về tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm.
• Xin ông cho biết đặc điểm thời tiết, khí hậu của tỉnh trong thời gian qua? Có những dấu hiệu bất thường nào không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định. Ảnh: T.LỢI |
– Trong những tháng đầu năm, tỉnh Bình Định chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Khi bắt đầu mùa mưa, tình hình ENSO chuyển dần sang trạng thái La Nina. Tổng lượng mưa từ đầu năm đến cuối tháng 10 chỉ đạt khoảng 970 mm, thấp hơn mức trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 29%. Thông thường, vào tháng 5 và 6, tỉnh Bình Định sẽ có đợt mưa diện rộng (mưa tiểu mãn), thậm chí một số năm còn gây ngập lụt. Tuy nhiên, năm nay không ghi nhận hiện tượng này.
Bên cạnh đó, nắng nóng đã xuất hiện sớm từ cuối tháng 3, đầu tiên ở phạm vi cục bộ, sau đó lan rộng và kéo dài nhiều đợt. Riêng trong tháng 8, TX An Nhơn trải qua 30 ngày nắng nóng, TX Hoài Nhơn 22 ngày, vào nửa đầu tháng 9 nắng nóng mới chấm dứt. Mặc dù xuất hiện giông, sét nhiều hơn nhưng lượng mưa không đáng kể, khiến mực nước trên các sông thấp hơn so với TBNN. Trong thời gian bão số 6 vào cuối tháng 10, dù vùng tâm bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, tỉnh Bình Định chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp nên không xuất hiện mưa lớn trên diện rộng.
• Ngành Nông nghiệp tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên toàn tỉnh khoảng 900 mm. Theo tính toán, tỉnh cần thêm 1.200 mm nữa để các hồ chứa đạt đủ nước phục vụ sản xuất năm 2025…
– Với tình hình mưa như trên, lượng nước trong các hồ chứa của tỉnh chỉ đạt khoảng 30% dung tích thiết kế. Do đó, việc bổ sung nước để đảm bảo đủ cho sản xuất là rất cần thiết. Ngoài việc theo dõi sát tình hình mưa để điều tiết hợp lý trong mùa mưa, cần có kế hoạch tích trữ nước phục vụ sản xuất. Ngành Nông nghiệp đặc biệt phải tính toán kỹ để đảm bảo đủ nước cho mùa khô năm 2025.
• Vậy, cao điểm mùa mưa, bão của Bình Định năm nay rơi vào khoảng thời gian nào, thưa ông?
– Tại tỉnh Bình Định, mùa mưa hằng năm kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, với cao điểm mưa bão thường rơi vào tháng 10 và 11. Theo số liệu thống kê và quan sát trong những năm gần đây, tháng 11 là tháng có lượng mưa lớn nhất, trong khi bão chủ yếu xảy ra vào tháng 10 và 11. Vì vậy hiện tại đang là tháng có mưa, bão nhiều nhất.
Trước những diễn biến thời tiết khá cực đoan, UBND tỉnh tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai bão, lũ huyện Tuy Phước năm 2024. – Trong ảnh: LLVT hướng dẫn người dân thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) cách chằng chống nhà cửa trong tình huống diễn tập ứng phó thiên tai bão, lũ huyện Tuy Phước năm 2024. Ảnh: DŨNG NHÂN |
• Ông có thể chia sẻ dự báo về thời tiết từ nay đến cuối tháng 11, tháng 12.2024 và đầu năm 2025 không? Nguy cơ xảy ra mưa lớn và lũ lụt trong giai đoạn này sẽ thế nào?
– Dự báo trong tháng 11 và 12 năm nay, lượng mưa ở tỉnh Bình Định sẽ dao động ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN. Khả năng nửa cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 sẽ là thời kỳ cao điểm; lượng mưa TBNN thường từ 450 – 580 mm, riêng khu vực vùng núi huyện An Lão có thể đạt 775 mm. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến Bình Định khoảng 1 cơn trực tiếp hoặc gián tiếp.
Mực nước trên các sông từ tháng 11 đến nửa đầu tháng 12 có khả năng xuất hiện 2 – 3 trận lũ, đạt mức báo động 1 – 2, có sông lên đến báo động 3. Từ tháng 1 đến tháng 4.2025, mưa dự kiến cũng ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN, nhưng từ tháng 4 trở đi nền nhiệt độ sẽ gia tăng, nắng nóng dự báo sẽ xuất hiện gay gắt hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước và giảm lượng dòng chảy trên các sông trong tỉnh.
• Với tình hình dự báo, ông có lời khuyên nào cho chính quyền và người dân để chủ động ứng phó với mưa lớn, bão lụt?
– Hiện nay, ngày càng nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan như bão mạnh và siêu bão. Ví dụ, cơn bão số 3 đầu tháng 8 vừa qua đã gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. Các đợt mưa lớn kéo dài, cường độ lớn trong thời gian ngắn dễ gây ra lũ, ngập lụt, sạt lở đất đá; bên cạnh đó gió mạnh, sóng lớn cũng gây ảnh hưởng đến các hoạt động trên biển và đê kè ven bờ. Bình Định đang trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, vì vậy, chính quyền và người dân cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, thủy văn, cập nhật tình hình mưa bão để kịp thời lên phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
LLVT tổ chức cứu nạn người bị đuối nước do mưa, lũ xảy ra ở đầm Thị Nại trong tình huống diễn tập ứng phó thiên tai bão, lũ huyện Tuy Phước năm 2024. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định luôn theo dõi sát diễn biến thời tiết, đặc biệt là các hiện tượng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến địa phương. Đài cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo đầy đủ và kịp thời, đảm bảo độ tin cậy cao cho các cấp chính quyền và người dân.
Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, Bình Định đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác ứng phó thiên tai. Với sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, tỉnh đã chuẩn bị kỹ càng các kế hoạch và phương án ứng phó khi thiên tai xảy ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho địa phương.
• Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=286045