(BĐ) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 1.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định) bày tỏ quan điểm đồng tình về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2030.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh tham gia góp ý tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Để góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình, ĐB Cảnh có 3 ý kiến tham gia góp ý.
Thứ nhất về phát triển nguồn nhân lực văn hóa, ĐB Cảnh góp ý, Bộ VH-TT&DL đã đồng ý bổ sung vào khoản 8.3 phát triển nguồn nhân lực văn hóa với nội dung “tạo điều kiện để các chuyên gia, trí thức tham gia cống hiến trong lĩnh vực văn hóa”. Tuy nhiên, tại khoản 8.3 chỉ có 2 điểm 8.3.1 và 8.3.2 với nội dung là tổ chức các hội thi để phát triển tài năng của những người trẻ.
ĐB Cảnh đề xuất tạo không gian để các chuyên gia, trí thức có năng lực về lĩnh vực văn hóa được phát huy. “Nhiều người nguyên là bộ trưởng, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, ĐBQH, tổng biên tập báo; các nhà giáo dục, các nhà sáng tác… với kinh nghiệm thực tiễn, họ đã và sẽ phản ánh về thực trạng văn hóa, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách về văn hóa, họ sẽ là những diễn giả tại các hội nghị, hội thảo về văn hóa, không chỉ là khách mời dự thính”, ĐB Cảnh nói.
Vì vậy, ĐB Cảnh đề nghị bổ sung thêm điểm 8.3.3 với nội dung “tạo điều kiện để các chuyên gia, trí thức tham gia, cống hiến trong lĩnh vực văn hóa” vào phần phát triển nguồn nhân lực văn hóa.
Nội dung thứ hai là về văn hóa đọc, theo ĐB Cảnh, đọc sách là thói quen rất quan trọng trong việc giúp học tập suốt đời. Đọc sách khác rất nhiều so với việc cập nhật thông tin, kiến thức trên không gian mạng. Đọc sách giúp thấu hiểu chính mình và cảm thông với người khác; đọc lướt tin trên mạng không đầy đủ nội dung dễ suy nghĩ phiến diện, dẫn đến xu hướng muốn đả kích người khác hoặc ủng hộ thái quá. Thói quen đọc hết một cuốn sách giúp ta hình thành thói quen làm việc đến nơi đến chốn, đọc lướt trên mạng tạo thói quen hời hợt, không tập trung.
Theo ĐB Cảnh, khi tìm hiểu về nguyên nhân tại sao nhiều người khen người Việt thông minh, cần cù, nước ta lại được thiên nhiên ưu đãi mà chưa phát triển đúng tiềm năng thì có thấy nhận xét của viện nghiên cứu ở nước ngoài về người Việt đó là chúng ta có những cái không tốt, nó tồn tại cạnh cái tốt, làm hạn chế cái tốt của mình như: Cần cù nhưng dễ thỏa mãn; hiểu biết nhanh nhưng ít học từ đầu đến cuối; cởi mở nhưng không kéo dài; tiết kiệm nhưng cũng hay hoang phí do sĩ diện hoặc phô trương; thích tụ tập nhưng thiếu kỹ năng trong hoạt động nhóm để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
ĐB Cảnh cho rằng, những điểm yếu của người Việt có thể khắc phục nếu chúng ta tạo thói quen đọc sách trong toàn xã hội. Sách sẽ giúp nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức, có cái nhìn tích cực, thấu hiểu, chia sẻ với người xung quanh, phê phán thói hư tật xấu. Từ đó hình thành cho mỗi người cách nghĩ tích cực hơn, hướng tới cái đẹp. Đây chính là góp phần vào xây dựng văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt.
ĐB Cảnh đề nghị tại điểm 2.5 trong nội dung thành phần của Chương trình cần bổ sung thêm nội dung 2.5.5 là “Phát triển không gian đọc ở các khu vực công cộng, không gian cung cấp dịch vụ công, cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, khu du lịch, vui chơi, lưu trú”.
Thứ ba về đầu tư các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, theo ĐB Cảnh, trước đây ĐB đã có ý kiến Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài sẽ góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cần xây dựng Bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa để phục vụ cho hoạt động của các Trung tâm văn hóa tại nước ngoài. Bộ VH-TT&DL đồng ý tiếp thu và sẽ thể hiện tại nội dung thành phần số 9 về “Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới”.
Tuy nhiên, trong báo cáo chưa nêu rõ nội dung tiếp thu nên ĐB Cảnh đề nghị trong điểm 9.1 về Phát huy vai trò của các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần bổ sung nội dung chi tiết 9.1.2 là “Giới thiệu Bộ bản sắc văn hóa và những nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc Việt Nam đến với thế giới”.
“Tôi cũng đã phát biểu chúng ta chưa có Bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam rõ nét như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Bên cạnh đó pháp luật cũng chưa quy định cơ quan có thẩm quyền nào được duyệt những bản sắc văn hóa Việt Nam như: Quốc phục, Quốc hoa. Dự thảo Luật di sản văn hóa (sửa đổi) Quốc hội chuẩn bị thông qua cũng chưa có nội dung giao thẩm quyền cho cơ quan nào có thẩm quyền duyệt những bản sắc văn hóa Việt Nam. Nếu không quy định Bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam trong Chương trình này để có căn cứ xây dựng, cũng như quy định thẩm quyền phê duyệt thì sẽ như trước đây, Bộ VH-TT&DL tổ chức đánh giá, bình chọn Quốc phục, Quốc hoa, rồi cũng dừng lại giữa chừng vì không ai có thẩm quyền phê duyệt. Bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam, ngoài những gì đã được pháp luật quy định thì còn Quốc phục, Quốc hoa, Quốc cầm, Quốc vũ, Quốc võ, Quốc tửu, ẩm thực Quốc gia… Đây cũng là những yếu tố để tạo nên một chuẩn mực cho Quốc yến tại những sự kiện Quốc gia, Quốc tế lớn của Việt Nam”, ĐB Cảnh phát biểu.
ĐB Cảnh đề nghị tại khoản 5, Điều 1 của Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 bổ sung thêm 1 cụm từ “giới thiệu Bản sắc văn hóa” ở gạch đầu dòng thứ 7 và viết lại là “Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, giới thiệu Bản sắc văn hóa và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới”.
“Thời gian qua, giới trẻ đã quan tâm hơn đến áo dài nam và đã mặc nhiều hơn tại các sự kiện văn hóa, lễ, tết và ngày cưới. Tôi nghĩ đây cũng là thời điểm phù hợp để Bộ VH-TT&DL khởi động lại việc chọn Quốc phục”, ĐB Cảnh đề nghị.
NGUYỄN HÂN – P.PHƯƠNG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=63&mabb=285944