Cần nguồn lực riêng để thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định kể từ ngày 1.1.2025, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải bắt buộc phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. PV Báo Bình Ðịnh có cuộc trò chuyện với bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, xung quanh vấn đề này.
Trả phí thu gom rác theo khối lượng hoặc thể tích
Khoản 1, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) quy định chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 nhóm là CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và CTRSH khác. Sau ngày 1.1.2025, hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải không thực hiện phân loại CTRSH theo 3 nhóm này sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
• Tỉnh Bình Định đã chuẩn bị những gì để thực hiện quy định phân loại CTRSH tại nguồn, thưa bà?
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT. Ảnh: V.L |
– Thời gian qua, Sở TN&MT chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 4.12.2023 về thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và Quyết định số 76/2023/QĐ-UBND ngày 4.12.2023 (QĐ 76) quy định quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác phân loại CTRSH tại nguồn như tăng cường tuyên truyền, tập huấn; xây dựng sổ tay phân loại rác thải và triển khai một số mô hình thí điểm quy mô cấp xã.
Qua đó, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, nhất là mô hình sử dụng chất thải thực phẩm ủ làm phân hữu cơ giúp “nhà sạch, vườn xanh” và khu dân cư xanh – sạch – đẹp – văn minh.
• Xin bà cho biết các nhóm CTRSH sẽ được phân loại như thế nào và cách phân loại, xử lý từng nhóm?
– Theo QĐ 76 của UBND tỉnh, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy thải, nhựa thải, kim loại thải… Nhóm này sau khi phân loại thì chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH theo điểm a, khoản 3 và điểm b, khoản 4, Điều 75 Luật BVMT.
Thứ hai là nhóm chất thải thực phẩm, hữu cơ dễ phân hủy gồm thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản; lá cây, hoa, thân cây mềm.
Đối với nhóm này thì khuyến khích chủ nguồn thải là cá nhân, hộ gia đình tự xử lý tại nhà như ủ làm phân bón hoặc tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Các địa phương có hạ tầng xử lý chất thải tập trung hoặc triển khai mô hình cụm xử lý thì tổ chức thu gom, vận chuyển riêng chất thải thực phẩm, hữu cơ dễ phân hủy sau phân loại để xử lý và sử dụng hiệu quả.
Thứ ba là nhóm CTRSH khác, là các loại chất thải còn lại phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày như hộp xốp, tã bỉm, vỏ các loại hạt, thủy tinh, sành sứ vỡ, bàn ghế hỏng…. Nhóm này được chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH của địa phương. Khuyến khích địa phương tổ chức thu gom riêng chất thải rắn cồng kềnh và lồng ghép vào quá trình lập phương án giá dịch vụ để trình UBND tỉnh ban hành giá cụ thể.
• Việc thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH thông qua khối lượng hoặc thể tích chất thải đã phân loại được quy định như thế nào, thưa bà?
– Ngày 22.12 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 91/2024/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo QĐ 76. Mục đích nhằm quy định cụ thể hình thức và mức phí gia đình, cá nhân phải trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định tại khoản 7, Điều 73 Luật Giá năm 2023 và phù hợp tình hình thực tế của tỉnh.
Người dân khu phố Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) ủ chất thải thực phẩm làm phân hữu cơ. Ảnh: V.L |
Đồng thời, Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư số 35/2024/TT-BTNMT ngày 19.12.2024 và Thông tư số 36/2024/TT-BTNMT ngày 20.12.2024 quy định về quy trình và định mức kinh tế – kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.
Từ những cơ sở này, Sở TN&MT có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đơn vị cung ứng dịch vụ rà soát, đánh giá về mức giá hiện hành của dịch vụ, lập phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn và gửi Sở TN&MT thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành văn bản định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH theo đúng quy định.
Xem rác thải là tài nguyên
Phân loại CTRSH tại nguồn là chủ trương đúng đắn, bởi nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây nhiều lãng phí như tốn diện tích cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu có thể tái chế cũng bị vùi chôn trong đất và mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy.
Việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, nên rác thải cũng cần được xem là nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, để quy định phân loại CTRSH tại nguồn thực sự đi vào cuộc sống và mang lại giá trị về mặt môi trường, kinh tế vẫn còn nhiều thách thức.
• Việc phân loại rác thải chắc chắn sẽ có những thách thức, khó khăn…
– Bước đầu thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn chắc chắn không tránh khỏi khó khăn, thách thức và đây là tình hình chung trong cả nước chứ không riêng tại Bình Định. Bởi lộ trình phân loại CTRSH tại nguồn liên quan đến vấn đề đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý nên phải có thời gian và nguồn lực đầu tư.
Người dân xã Cát Tài (huyện Phù Cát) nhận thùng nhựa HDPE để thực hiện mô hình ủ chất thải thực phẩm thành phân hữu cơ. Ảnh: V.L |
Qua thực tế triển khai công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh cho thấy hạ tầng xử lý rác thải sau phân loại còn thiếu và chưa đồng bộ. Hiện trên địa bàn tỉnh mới có TP Quy Nhơn được đầu tư nhà máy chế biến phân hữu cơ tại khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, nhưng chỉ hoạt động cầm chừng.
Ngoài ra, trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, các địa phương chủ yếu tuyên truyền, mua thùng rác và phân phát cho người dân mà chưa tiến hành khảo sát thực tế, cũng như thiết kế các khâu phân loại – thu gom – vận chuyển – xử lý chất thải sau phân loại. Mặt khác, việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa khó phân hủy còn gặp khó khăn.
• Để quy định phân loại CTRSH tại nguồn thực sự đi vào cuộc sống thì cần những gì, thưa bà?
– Trước tiên cần có nguồn lực riêng cho việc thúc đẩy phân loại CTRSH tại nguồn, từ đó đầu tư đồng bộ các khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư 3 nhà máy xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh sử dụng công nghệ đốt rác phát điện và đốt tiêu hủy; tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phân loại, xử lý.
Ngoài ra, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, TX An Nhơn triển khai phân loại rác tại nguồn và chuyển chất thải hữu cơ sau phân loại về nhà máy chế biến phân hữu cơ để xử lý. Những địa phương còn lại trong tỉnh, đối với khu vực đô thị, khuyến khích áp dụng xử lý theo mô hình tập trung cụm nhỏ quy mô từ 5 – 10 hộ; theo hình thức phân loại rác tại hộ và chuyển chất thải thực phẩm về tập trung tại một địa điểm để tái chế, xử lý.
Còn ở khu vực nông thôn, khuyến khích áp dụng mô hình phân tán, theo cách thức chất thải được phân loại và tái sử dụng, tái chế tại hộ gia đình, cá nhân; tận dụng chất thải thực phẩm phục vụ cho nông nghiệp.
Chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội phổ biến, tuyên truyền các quy định về quản lý CTRSH nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý đến từng hộ gia đình, cá nhân.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các trường hợp không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo đúng quy định.
• Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
VĂN LỰC (Thực hiện)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=32&macmp=32&mabb=288962