(BĐ) – Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 7.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tham gia phát biểu, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội về tính cấp thiết sửa đổi dự thảo 1 luật, sửa 7 luật, luật sửa đổi, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy tham gia phát biểu tại hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh. |
ĐB Thủy tham gia thảo luận một số ý kiến xung quanh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Thứ nhất, về chuyển nhượng trái phiếu DN, ĐB Thủy cho rằng, với điều kiện thị trường phát triển nhanh, nhiều thay đổi, tiềm ẩn những rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân thường hạn chế về khả năng quản trị rủi ro và nguồn lực tài chính, từ đó trong quá trình thực hiện dễ xảy ra các sai phạm như thời gian vừa qua.
“Các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng được quản lý, giám sát an toàn về tài chính bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; có kinh nghiệm quản lý, kiểm tra, giám sát trong quá trình giao dịch, thực hiện, do vậy, mức độ an toàn sẽ cao hơn cho các nhà đầu tư cá nhân”, ĐB Thủy phân tích.
Thứ hai, tính minh bạch của nhà đầu tư cũng liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Minh bạch thông tin rất quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng giữa các thành viên tham gia thị trường, qua đó duy trì sự ổn định, bền vững của thị trường chứng khoán, vừa là uy tín, giá trị của DN khi các nhà đầu tư so sánh lựa chọn. Điều này hạn chế sự thông đồng, không minh bạch hoặc thiếu thông tin trong chuyển nhượng, tạo giá ảo, cung cầu ảo nhằm đẩy giá chứng khoán không đúng giá trị, khiến các nhà đầu tư không có thông tin, thậm chí là tiếp nhận thông tin sai sự thật, từ đó gây phương hại đến các nhà đầu tư.
Theo ĐB Thủy, tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản thì có cả khung pháp lý, giám sát, sử dụng biện pháp chế tài rất nặng khi có các hành vi thông đồng, thiếu minh bạch trong giao dịch chứng khoán.
Luật lần này đề xuất sửa đổi, bổ sung các hành vi như: “thông đồng”, “thiếu minh bạch”, “thao túng” thị trường chứng khoán; hành vi không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng trước khi giao dịch của người nội bộ và người có liên quan của các đối tượng này trong công bố thông tin của DN chuyển nhượng trái phiếu… tại điểm 3 khoản 4 của dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Luật hiện hành.
ĐB Thủy đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát các hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán, quy định thời gian bắt buộc, thông tin công bố minh bạch, thông tin mở, dễ hiểu để tất cả nhà đầu tư, dự định đầu tư có thông tin đầy đủ; giao cho Chính phủ quy định cụ thể, tránh khi phát sinh trong thực tiễn lại tiếp tục bổ sung, sửa đổi.
Về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, đã có quy định cụ thể việc xử phạt đối với các trường hợp không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nâng cao khung hình phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để đảm bảo tính răn đe hướng tới phát triển thị trường minh bạch, ổn định. Theo đó, cần nâng trần mức xử phạt, hoặc đưa ra mức xử phạt gấp nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm, cộng thêm các hình thức xử phạt bổ sung như cấm giao dịch, cấm hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán.
ĐB Thủy cũng thống nhất với ý kiến, để tránh việc xảy ra các hành vi pháp lý về thị trường chứng khoán, cần dẫn chiếu ngay đến Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 về tội thao túng thị trường. Ở đây cần rà soát đối chiếu các điều khoản, biện pháp áp dụng xử lý được quy định tại chương III, Luật Chứng khoán 2019, các Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015, để đảm bảo không hình sự hóa các quan hệ giao dịch kinh tế.
NGUYỄN HÂN – P.PHƯƠNG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=63&mabb=286250