Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2024, Bộ TT&TT đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội,… để hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành TT&TT năm 2024.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục ghi nhận những tiến bộ vượt bậc ở Chỉ số xếp hạng Chính phủ điện tử (EGDI) và Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu (GCI). Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông và hạ tầng số đã được bao phủ rộng khắp, với tỷ lệ phủ sóng điện thoại 4G của Việt Nam hiện đạt 99,8% dân số; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng internet băng rộng cáp quang đạt 82,9%, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đã đặt ra tại “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Năm 2024, doanh thu trong toàn ngành TT&TT ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 109.478 tỷ đồng, tăng hơn 15%. Đóng góp vào GDP của ngành ước đạt 989.016 tỷ đồng và tạo việc làm cho 1.542.994 lao động… Doanh thu dịch vụ Bưu chính ước đạt 71.140 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 100% kế hoạch năm 2024. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 147.000 tỷ đồng, tăng 3,49% so với năm 2023.
Lĩnh vực kinh tế số và xã hội số tiếp tục có bước phát triển, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%, tăng trưởng 20% so với năm 2023. Lĩnh vực viễn thông đánh dấu bước ngoặt khi mạng 5G được triển khai thương mại hóa, với 25,5% dân số được phủ sóng. Tổng số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 94 thuê bao/100 dân, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023 (85,7 thuê bao/100 dân). Lượng phổ tần đã cấp cho thông tin di động tại Việt Nam đạt 640 MHz, đứng thứ 4/10 trong ASEAN, tăng 5 bậc so với năm 2023. Lĩnh vực phát thanh, truyền hình có doanh thu đạt 12.524 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2023 (12.049 tỷ đồng). Đáng chú ý, tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời trong năm ước đạt khoảng 92,7%, tăng 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2025, Bộ TT&TT đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thành lập đề nghị xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi; Triển khai định mức kinh tế – kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương do doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện; Hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) với tốc độ tăng trưởng giao dịch thực hiện qua NDXP trung bình 20%/năm; Thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số, chính phủ số; Tiếp tục duy trì thứ hạng của Việt Nam trên thế giới về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đạt top 30…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao bằng khen cho 22 đơn vị, trong đó có Sở Thông tin và truyền thông Bình Định đã có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông chính sách.
Tại Bình Định, năm 2024, lĩnh vực thông tin và truyền thông gặt hái những kết quả tích cực. Trong năm qua, Bình Định đã tiếp tục thực hiện việc tích hợp và đồng bộ hóa các cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm dân cư, đất đai, y tế, giáo dục, cán bộ công chức viên chức… để từng bước hình thành Kho dữ liệu số thống nhất của tỉnh, giúp loại bỏ tình trạng phân tán dữ liệu và sự trùng lặp trong quản lý. Đồng thời khẳng định quyết tâm trong việc phấn đấu trở thành trung tâm công nghệ cao khu vực miền Trung. Bình Định đã tiên phong hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở. Các đài truyền thanh tại Bình Định không còn giới hạn ở mô hình truyền thống mà đã được số hóa toàn diện, tích hợp với công nghệ thông tin và viễn thông; cho phép kết nối trực tiếp với hệ thống thông tin nguồn quốc gia, đồng thời tích hợp các thông tin địa phương, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các chính sách, thông báo khẩn cấp, và các chương trình tuyên truyền quan trọng.
Một trong những điểm sáng của Bình Định trong hướng tiếp cận để chuyển đổi số cho cơ quan nhà nước là việc tập trung thuê dịch vụ công nghệ từ các doanh nghiệp thay vì tự đầu tư toàn bộ hệ thống. Mô hình này không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn tận dụng được chuyên môn, kinh nghiệm của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bình Định đã vươn lên dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong năm 2024.
Tham luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, các địa phương đã phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra; chia sẻ kinh nghiệm, chỉ rõ những nội dung mới, cấp bách mà Bộ TT&TT cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất các giải pháp thiết thực thúc đẩy ngành TT&TT tiếp tục phát triển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2024 của ngành thông tin và truyền thông; đồng thời, ghi nhận nỗ lực, cố gắng của toàn ngành để hoàn thành các nhiệm vụ, đạt được các thành tích hết sức to lớn.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, thách thức và khó khăn của ngành. Đó là, việc thay đổi công nghệ nhanh chóng đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật nhanh nhất, đặc biệt là cơ chế, chính sách để sử dụng nguồn lực và phát huy các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế; việc bảo đảm an toàn và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên môi trường mạng, môi trường số cần phải có giải pháp kịp thời hơn; cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế; phải ngăn chặn những thông tin xấu độc, những thông tin bịa đặt qua nền tảng số…
Về nhiệm vụ năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy kết quả đạt được, tích cực đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, áp dụng mạnh mẽ AI và đẩy mạnh công nghiệp số… “Chúng ta rất thuận lợi khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW. Đây là một mệnh lệnh, trách nhiệm của chúng ta là thực thi để tạo ra đột phá về nguồn lực, thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Cùng với đó, ngành thông tin và truyền thông cần đẩy mạnh thực hiện công nghệ số để phát triển kinh tế số, tích hợp các ứng dụng rộng rãi về công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển; tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về nội hàm của kinh tế số; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí và truyền thông, thúc đẩy nền báo chí phát triển mạnh mẽ, chuyển sang thông tin số; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, phối hợp xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ và học hỏi lẫn nhau cũng như thu hút đầu tư về công nghệ…
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng, việc sáp nhập Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông sẽ phát triển mạnh mẽ công nghệ, truyền thông trong thời gian tới. Hai Bộ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức lại bộ máy, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất…
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tặng bằng khen cho 22 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông chính sách, trong đó có Sở Thông tin và truyền thông Bình Định.
Nguồn: https://binhdinh.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong-cua-lanh-dao/bo-thong-tin-va-truyen-thong-trien-khai-nhiem-vu-nam-2025.html