Năm 1884, cùng lúc với việc Pháp và Việt Nam ký hòa ước Giáp Thân 1884 thì công sứ Quy Nhơn Eugène Navelle thực hiện cuộc hành trình từ cảng Quy Nhơn đi về phía tây, từ Thị Nại đến Bla (Kon Tum), băng qua cao nguyên An Khê và các phế tích, di tích, làng mạc của đất Bình Định xưa. Nhật ký hành trình của ông đã ghi chép lại những quan sát tường minh về những điều “mắt thấy tai nghe”, đăng 2 kỳ trên tạp chí Excursions et reconnaissances năm 1886 – 1887 với nhan đề “De Thi-nai au Bla”. Thanh Niên xin giới thiệu đến bạn đọc qua trích dịch của dịch giả Thư Nguyễn.
Từ Sài Gòn ra Bắc kỳ không thể không chiêm ngắm những bờ biển đẹp như tranh vẽ của vương quốc An Nam, và sau 40 giờ đi tàu sẽ gặp cảng Thị Nại ở 14 độ vĩ bắc, đây là vị trí mà các nhà địa lý của ta gọi sai là Quy Nhơn.
Nếu thuyền chở bạn có đáy sâu hơn 4 mét rưỡi thì nó phải thả neo ở vũng ngoài, tại cực tây nam của mũi San Hô, từ chỗ này bạn tha hồ ngắm cảnh núi non Phú Yên, thung lũng Paons và bãi nam của bán đảo Giã, lại vừa tận hưởng sóng biển êm đềm ngoài xa.
Du khách sẽ nghĩ đến hành trình bằng tàu có trọng tải bé hơn, men theo một lạch nhỏ quanh co để đi vào cảng phía trong. Phía đông cảng này bị chắn bởi mũi San Hô với những đỉnh núi rậm rạp và hoang vắng, xưa kia là chốn um tùm cây cối thường xuyên có hươu nai và hổ lui tới; những sườn núi đá vươn về phía biển và tàng ẩn trong những bộng hốc là tổ chim yến rất quý giá mà quan lại độc quyền khai thác. Thứ hải vị này được dành riêng tiến vua. Tuy nhiên, cũng có vài tổ yến được tuồn ra thị trường với giá trung bình là 120 franc một cân. Loại màu đỏ quý hiếm hơn có giá 300 franc một cân.
Cảng trải rộng về phía bắc rồi thu hẹp dần dần; cuối cùng nó hòa lẫn với dòng sông chảy từ trên núi xuống án ngữ đường chân trời phía tây. Ranh giới phía nam của nó là bán đảo này, dải đất khô cằn với diện tích khoảng 300 ha mà nước Pháp đã giành được một khoảng để dựng một tòa nhà [lãnh sự] ở đó. Khu nhượng địa có diện tích 2,5 ha. Chính vì con số này mà nước Pháp đã không ngừng gia tăng yêu sách và An Nam phải nhún nhường vào năm 1873; hiệp ước năm 1884 [Giáp Thân] đã cho phép chúng ta sửa chữa sai lầm này.
Chợ Giã, cái tên được đặt cho bán đảo và các bản đồ cũ đánh dấu chợ nằm dưới chân bán đảo nay đã nhường chỗ cho 2 ngôi làng và hai phiên chợ họp hằng ngày, một buổi sáng và một buổi tối. Dưới những lán hàng xập xệ, quá thấp và chật chội để chứa hết đám đông bu quanh, người ta bán đủ thứ hàng hóa trong xứ hoặc hàng nhập khẩu dùng trong ngày. Việc mua bán chủ yếu diễn ra trong các cửa tiệm người Hoa; ngũ cốc, khô dầu, kén tằm, cuộn tơ, muối, vây cá mập, dầu đậu phộng, dầu cây gỗ, nhựa cây, tóm lại là mọi thứ để xuất khẩu chất đống trong những cửa tiệm này. Tổng dân số của cả hai làng này vào khoảng 2.000 người.
Phần lớn hơn của bán đảo bao phủ gò đống, mồ mả mà số lượng đáng kể của chúng lại không quan hệ gì với dân số, buộc người ta nhớ lại những thời kỳ loạn lạc trong lịch sử An Nam khi Thị Nại là chiến trường của rất nhiều trận đổ máu.
Phần lớn mồ mả này không có gì đáng chú ý, những mồ mả nào không phải là nấm đất cát hay sỏi đá đơn sơ thì hầu hết sẽ có hình dạng của một bông hoa súng lớn ngã rạp trên đất và như thể bị chôn vùi một nửa trong lòng đất, cuống hoa vươn lên thành bài vị: trên đó ghi tên người đã khuất. Đôi khi thứ che phủ trên nấm đất lại có hình dạng như lá sen.
Trong nghĩa trang mênh mông này có một vài ngôi chùa. Một trong số đó ẩn mình dưới một lùm cây xoài to lớn. Một chùa khác nằm cạnh một nghĩa trang khá lạ lùng: trong một khu vực có tường bao hình tứ giác, hơn một ngàn nấm mồ nhỏ chen chúc nhau xếp thành hàng so le. Chúng là mộ vô danh của những người lính hy sinh trong các trận hải chiến; mộ không tên hoặc không áo quan, mỗi người một nấm. Không có mộ tập thể; tín ngưỡng thờ cúng của người An Nam không cho phép họ táng chung nhiều bộ hài cốt.
Đầu mỏm bãi cát nhô ra phía đông của nhượng địa Pháp là nhiều công sự đã hoang phế và đại bác trong đó đã hoen gỉ. Cách đây một thế kỷ, hỏa lực của các công sự này đã giao chiến với hỏa lực các đồn binh trên mũi San Hô án ngữ con đường hẹp của cảng nội địa và gieo chết chóc kinh hoàng cho tàu thuyền của địch.
Từ năm 1791 – 1799, trong năm đầu tiên các sĩ quan Pháp chỉ huy, cảng Thị Nại đã bị hạm đội của Gia Long tấn công 6 lần. Cứ mỗi lần bị tấn công, Thị Nại lại phòng thủ mạnh mẽ hơn; những kẻ chinh phục càng vây khốn nó thì nó lại càng chiến đấu bền bỉ hơn và cho đến năm 1799 thì Thị Nại mới hoàn toàn đầu hàng, kéo theo sự sụp đổ của một đế đô và một ngai vàng. Bởi vì đây là điểm then chốt trong cuộc tranh giành kéo dài hơn hai mươi lăm năm giữa [Nguyễn] Nhạc, một người nổi dậy xưng hoàng đế, và Gia Long [Nguyễn Ánh], một hoàng đế tương lai khi đó còn bôn tẩu. (còn tiếp)
(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Excursions et reconnaissances năm 1886)