Theo báo cáo ngày 8/11/2024 của UBND tỉnh Bình Định, tổng kinh phí được thực hiện Chương trình từ năm 2021 – 2024 là 739.173,2 triệu đồng (trong đó đã giảm trừ 34.180 triệu đồng kinh phí sự nghiệp đã cấp đến năm 2023 cho Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9 vì nội dung này không thực hiện được, Trung ương đang tạm dừng). Tỉnh đã giải ngân 510.387,2 triệu đồng (đạt tỷ lệ 69%).
Đối với việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vốn phân bổ giai đoạn 2021 – 2024 là 33.278 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 26.881 triệu đồng; ngân sách địa phương: 6.397 triệu đồng). Tính đến ngày 30/9/2024, tỉnh đã giải ngân 24.662 triệu đồng, đạt tỷ lệ 74,1% (ngân sách Trung ương: 19.625 triệu đồng, đạt tỷ lệ 73%; ngân sách địa phương: 5.037 triệu đồng, đạt tỷ lệ 78,7%) để hỗ trợ xây dựng: 507 căn nhà ở; hỗ trợ chuyển đổi nghề: 948 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: 377 hộ; thực hiện 3 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện 5 dự án định canh định cư: Dự án định canh định cư tập trung làng K2 (Suối Đá), xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh (quy mô đầu tư 3,49 ha với 46 hộ định canh định cư tập trung, tiến độ giải ngân đạt 98%); Dự án định canh định cư tập trung làng Suối Diếp, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh (quy mô đầu tư 5,5 ha với 65 hộ định canh định cư tập trung, tiến độ giải ngân đạt 74,1%); Khu tái định cư vùng thiên tai thôn 4, thôn 5 xã An Trung, huyện An Lão (quy mô đầu tư 05 ha với 90 hộ định canh định cư tập trung, tiến độ giải ngân đạt 65,9%); Bố trí tái định cư thôn 2 xã An Toàn, huyện An Lão (quy mô đầu tư 2,5 ha với 40 hộ định canh định cư tập trung, tiến độ giải ngân đạt 75,5%); Khu dân cư làng T6 (làng mới ĐakPok, tiến độ giải ngân đạt 97,4%). Đồng thời, hỗ trợ vận chuyển xây dựng nhà ở cho 1 hộ ổn định dân cư xen ghép (thôn 5, xã An Nghĩa, huyện An Lão).
Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư 149 công trình (giao thông: 85; thủy lợi: 34; nhà văn hóa: 14; trường học: 6; điện: 9; chợ: 1) cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc ở các huyện: Hoài Ân, Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn và thực hiện duy tu bảo dưỡng một số công trình trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 36,7 triệu đồng/người/năm (tăng 14,7 triệu đồng so với đầu giai đoạn). Tỷ lệ hộ nghèo DTTS (so với hộ đồng bào DTTS) cuối năm 2023 là 4.603 hộ/11.446 nhân khẩu, chiếm 40,21% (giảm 20,6% so với cuối năm 2021). Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS đã giảm bình quân 4,76%/năm, vượt kế hoạch đề ra (từ 1,5 – 2%/năm). Chương trình làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực trong các phong trào thi đua giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc như: Tỷ lệ giải ngân Chương trình còn thấp (69%); hiện nay quỹ đất ở một số địa phương còn rất hạn chế, không đảm bảo thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho người dân, dẫn đến việc các địa phương trên chuyển sang phương thức hỗ trợ chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, định mức hỗ trợ chuyển đổi nghề theo quy định còn thấp (tối đa 10 triệu đồng/hộ) so với chi phí thực tế cần để chuyển đổi sang một số ngành nghề khác phù hợp với tình hình, điều kiện, khả năng của người dân tại địa phương; do đó, cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng mức hỗ trợ cho người dân khi tham gia chuyển đổi nghề…
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương nỗ lực khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình MTQG 1719 trong những năm tới.
Bình Định: Những con đường mở lối thoát nghèo ở làng ‘nhiều không’